Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường Trung Quốc giảm tốc11 tháng năm 2021, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt 1,06 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 260 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 114,09 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 tăng 22,7% về lượng và tăng 33% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 438,8 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 8,4% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 630,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo xuất khẩu sắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới
Việt Nam là thị trường đứng thứ 2 trong việc cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho Trung Quốc.
Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 5/2022, xuất khẩu sắn đạt 74,13 nghìn tấn, trị giá 22,36 triệu USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 3% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 8% về lượng và tăng 21,3% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 301,7 USD/tấn, giảm 3,3% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 12,3% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 467,27 nghìn tấn, trị giá 136,66 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc chiếm 93% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, đạt 241,67 nghìn tấn, trị giá 105,19 triệu USD, tăng 17,6% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 26,2% về lượng và tăng 36,2% về trị giá.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,33 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 578,14 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 795,21 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022. Việt Nam là thị trường đứng thứ 2 trong việc cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho Trung Quốc.
Dự báo xuất khẩu sắn sẽ tiếp tục tăng cao
Đầu tháng 6/2022, giá củ sắn tươi tại các vùng ổn định, giá tinh bột sắn thành phẩm tại cả 3 miền có xu hướng tăng trở lại. Tốc độ giao hàng tinh bột sắn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc được đẩy nhanh hơn nhờ các cửa khẩu được mở cửa trở lại.
Dự báo thời gian tới xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraina, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu sắn và tinh bột sắn.
Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia. Mặt khác, thị trường Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan đứng thứ hai sau lúa gạo. Trong khi đó, thuế xuất khẩu tinh bột sắn ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg.
Do đó, việc nghiên cứu nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang các thị trường có FTA, đặc biệt là thị trường EU nhiều tiềm năng sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam - cho biết, hiện một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã đưa sản phẩm tới một số thị trường khác ngoài Trung Quốc như: Belarus, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Trung Đông và châu Phi thông qua tận dụng các FTA.
Cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, về phía các địa phương cũng đang nỗ lực để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu khó tính. Như tại Gia Lai, đây là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu lớn nhất cả nước (với hơn 81.000 ha, diện tích bằng 15,47%, sản lượng bằng 15,42% cả nước). Sắn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, được trồng ở 17/17 địa phương, sản lượng hàng năm khoảng 1,6 triệu tấn.
Vùng nguyên liệu sắn của tỉnh này chủ yếu cung cấp cho 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 1.250 tấn thành phẩm/ngày. Tuy có diện tích và sản lượng sắn lớn, nhưng do diện tích canh tác không tập trung, diện tích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, nên sản lượng bình quân không cao (khoảng 20 tấn/ha).
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ không mở rộng và từng bước giảm diện tích trồng sắn xuống khoảng 65.000 ha đến năm 2025. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh kỹ thuật cao, lựa chọn các giống sắn có khả năng kháng bệnh cao để nâng cao sản lượng cây sắn.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên cho các dự án sản xuất, chế biến sắn theo công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường, phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ sắn theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu của các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
(Theo congthuong)