Ngay từ những năm đầu thành lập, Đảng bộ huyện Yên Bình đã phát động phong trào "tấc đất, tấc vàng”, phát triển lúa vụ chiêm trong toàn huyện, khôi phục ruộng đất bỏ hoang hóa, góp phần xây dựng hậu phương đánh thực dân Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ huyện lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
Cùng với các biện pháp cứu đói kịp thời, Huyện ủy Yên Bình ra nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp, khôi phục và mở rộng các công trình thủy lợi, đẩy mạnh khai hoang phục hóa, đặc biệt chú trọng diện tích cấy vụ chiêm. Cán bộ đảng viên và người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công để sửa chữa và làm mới 670 mương phai, đảm bảo tưới tiêu cho trên 3.000 mẫu lúa chiêm. Huyện ủy cử cán bộ tăng cường cho các xã chống hạn với những chiến dịch: "tát nước cứu lúa, thay trời làm mưa”.
Năm 1956 cuộc vận động làm chuồng trại cho gia súc đảm bảo vệ sinh được thực hiện, việc chống rét, tiêm phòng cho đàn lợn tiến hành thường xuyên. Nhờ các biện pháp đồng bộ, đến năm 1959, sản lượng thóc tăng từ 3.600 tấn lên 11.100 tấn, đàn trâu từ 5.100 con lên 9.800 con, đàn lợn tăng từ 6.700 con lên 10.800 con. Kết quả đó góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội 3 năm (1958 - 1960).
Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, từ thực tiến địa phương, Đảng bộ huyện tập trung sức phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm tiếp tục phát triến kinh tế và văn hóa. Trong 7 nhiệm vụ chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đề ra có 6 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đây cũng là giai đoạn Đảng bộ tập trung cho cuộc vận động chuyển dân, xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà.
Cùng với những thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp được chú trọng, phát triển mở rộng các ngành nghề như rèn, mộc, sản xuất gạch xây dựng và các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong giai đoạn 1965 - 1975, trong lĩnh vực kinh tế, Đảng bộ đã lãnh đạo đưa các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đổi mới quan hệ sản xuất, cơ cấu cây trồng thay đổi, chăn nuôi không những đủ sức kéo mà còn cung cấp cho địa phương khác…
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX còn đề ra mục tiêu sản xuất lúa đạt 5 tấn/ha/năm, đặc biệt coi trọng cây màu; phát triển cây công nghiệp theo hướng lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh. Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tập trung hoàn thành xưởng cơ khí huyện, xây dựng xưởng chế biến nông sản tổng hợp. Những kết quả đó góp phần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau năm 1975, Đảng bộ huyện cùng các Đảng bộ khác của tỉnh Yên Bái bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sản xuất lúa đã hình thành các vùng thâm canh cho năng suất cao, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Cây công nghiệp được trồng theo quy hoạch, diện tích hàng ngàn ha.
Giai đoạn này đánh dấu việc phát triển quy mô các hợp tác xã, phân chia đội sản xuất theo hướng chuyên môn hóa công việc, đồng thời đón các đợt người miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Tiếp theo đó, Đảng bộ đã chú trọng công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, khuyến khích mô hình kinh tế trang trại gia đình.
Kế thừa và phát huy truyền thống xây dựng và trưởng thành, bắt tay vào công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ huyện Yên Bình đã lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ năm 1992, Đảng bộ phấn đấu hoàn thành 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, sin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, thực hiện giao mặt nước hồ cho các xã, thị trấn quản lý và thử nghiệm nuôi cá lồng thành công. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn được Đảng bộ đặt ra là 15%/năm; cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp 15%, công nghiệp - thủ công nghiệp 74%, thương mại dịch vụ 11%; tăng số hộ khá và giàu lên 50%...
Sau năm 2000, Đảng bộ Yên Bình tiếp tục lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa Yên Bình trở thành huyện phát triển của tỉnh. Huyện ủy đã quy hoạch, phân vùng sản xuất tập trung như lúa cao sản, vùng chè, vùng cây ăn quả có múi…
Cây bưởi góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nhân dân Đại Minh.
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của những mỏ đá vôi, huyện xác định phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo. Nhờ đó, sản lượng xi măng tăng, bột đá từ nguồn nguyên liệu đá vôi của huyện xuất khẩu ra nhiều nước, các nhà máy chế biến chè hoạt động hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về cải tạo, thay thế chè già cỗi bằng chè giống mới; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò; phát triển chăn nuôi thủy sản trên vùng hồ Thác Bà; củng cố kinh tế tập thể, phát triển công nghiệp - công nghiệp ngoài quốc doanh và Nghị quyết chuyên đề về phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ.
5 chương trình kinh tế trọng điểm được triển khai là: đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng các cánh đồng có thu nhập cao; phát triển kinh tế đồi rừng với chăn nuôi đại gia súc; phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà; phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh; phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế của huyện giai đoạn này đạt 14%/năm.
Phát huy kết quả đạt được và thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XXI, phong trào thi đua lao động sản xuất thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tạo được khí thế mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ bình quân đạt 15,6%; đến 2015, tỷ trọng nông lâm nghiệp chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp xây dựng chiếm 37,6%, thương mại - dịch vụ 32,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm, tăng 2,6 lần so với năm 2010.
Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình”, huyện đã thu hút trên 20 dự án đầu tư; hình thành các cơ sở kinh tế dân doanh có quy mô lớn, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được quan tâm. Các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Công nhân Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái vận chuyển sản phẩm bột cacbonatcanxi đi tiêu thụ.
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ đã kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện địa phương; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới được triển khai.
Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 18,8%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với 2015.
Đặc biệt, huyện quan tâm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã nâng cao năng suất, giá trị ngành trồng trọt, nhất là nghề rừng, trồng cây ăn quả; ngành thủy sản phát triển nhanh chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23,4%/năm; giá trị sản xuất ngành chế biến chiếm 85% tỷ trọng ngành công nghiệp.
Năm 2021, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ huyện, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thực hiện nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 6/11 chương trình hành động của Yên Bình liên quan đến phát triển kinh tế.
Hai năm qua, toàn Đảng bộ đã tập trung thực hiện tốt "nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng huyện Yên Bình hoàn thành mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành một trong những huyện khá của tỉnh và khu vực vào năm 2025.
Quang Tuấn