Yên Bái tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/7/2022 | 7:50:03 AM

YênBái - Dự báo thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp; đặc biệt là hoạt động bán hàng qua các trang mạng xã hội, Zalo, Facebook, hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu, giả, kém chất lượng qua các dịch vụ chuyển phát nhanh, trên các phương tiện của bưu điện.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

>> Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm


Theo ngành chức năng, tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh không nhiều nổi cộm; các vụ việc phát sinh đã được phát hiện bắt giữ, xử lý kịp thời. Các mặt hàng làm giả nhãn hiệu được phát hiện, xử lý thời gian qua chủ yếu là quần, áo, giày dép, ví da, dây lưng... giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas; bột giặt giả mạo nhãn hiệu OMO. 

Các loại hàng hóa kém chất lượng chủ yếu là thực phẩm bao gói sẵn quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tập trung chủ yếu là các mặt hàng: thực phẩm đông lạnh, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát. Đặc biệt, các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm nhập lậu, thuốc chữa bệnh, thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc lá điện tử đang có diễn biến phức tạp và gia tăng. 

Ông Phan Bá Hùng - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh cho biết: "Từ đầu năm tới nay, bám sát theo chỉ đạo, các đơn vị thành viên BCĐ 389 tỉnh đã chủ động triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả tương ứng với từng thời điểm và diễn biến thị trường; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng có nhiều biến động như trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. 

Đồng thời, thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tổ chức cá nhân SXKD và NTD tham gia phòng ngừa đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tham gia tiêu thụ các loại hàng hóa vi phạm trên. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh”. 

Theo báo cáo của BCĐ 389 tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã xử lý 445 vụ với 445 hành vi, phạt hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế trên 7,1 tỷ đồng; bán hàng tịch thu hơn 1,7 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước gần 8,9 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy trên 437 triệu đồng. Trong đó, phát hiện, xử lý 28 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 11 vụ về mua bán, hàng giả nhãn hiệu; 406 vụ việc vi phạm về GLTM. 

Những nỗ lực trên đã góp phần giữ vững ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD và DN. Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ 389 tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh, chống buôn lậu, GLTM, hàng giả vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác tại một số địa phương còn chưa tốt; giá cả thuốc men, vật tư y tế, nhất là giá các loại kit xét nghiệm nhanh Covid-19 có lúc, có nơi còn chưa kiểm soát tốt.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa vi phạm trên các phương tiện chuyển Fax nhanh, bưu chính diễn ra khá phức tạp; vận chuyển hàng hóa vi phạm trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn diễn ra, song công tác dừng và kiểm tra vẫn còn nhiều khó khăn; việc lấy mẫu kiểm định chất lượng hàng hóa đối với hàng hóa tươi sống, hàng hóa nhóm 2 còn mất nhiều thời gian, chi phí cao gây hạn chế kết quả xử lý; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các cơ sở SXKD và cho nhân dân chưa đạt được hiệu quả cao.

Dự báo thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, GLTM, SXKD hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp; đặc biệt là hoạt động bán hàng qua các trang mạng xã hội, Zalo, Facebook, hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu, giả, kém chất lượng qua các dịch vụ chuyển phát nhanh, trên các phương tiện của bưu điện. 

Để chủ động đấu tranh với các hành vi vi phạm, BCĐ 389 đề ra nhiều biện pháp trọng tâm; trong đó, tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, SXKD hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm minh, kịp thời,  theo đúng quy định của pháp luật. 

Trong đó, tập trung kiểm tra nhóm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các mặt hàng kit xét nghiệm Covid-19, khẩu trang, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh; các mặt hàng gas, xăng dầu; khoáng sản, lâm sản và các hàng hóa hay bị làm giả của các thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. 

Làm tốt công tác dự báo chủ động theo dõi nắm bắt diễn biến thị trường, thực hiện các biện pháp quản lý giá cả, cung ứng hàng hóa để đảm bảo nguyên liệu, vật tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN trên địa bàn, hàng hóa phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. 

Đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật mới cho nhân dân, các DN, cơ sở SXKD trên địa bàn biết và thực hiện; tiếp tục thực hiện ký cam kết với các ban quản lý các siêu thị, các chợ với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ cao, các cơ sở kinh doanh hiện nay đa phần chưa đóng thuế, nộp thuế; do đó, ngành chức năng sẽ tập trung thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, bán hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng điện tử. 

Thông Nguyễn

Tags Yên Bái chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả

Các tin khác
Rừng bồ đề bị sâu xanh phá hoại tại huyện Trấn Yên.

Gần đây, dịch sâu xanh ăn lá hại bồ đề bùng phát tại Yên Bái, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm ha bị phá tan tành. Việc phòng trừ hết sức khó khăn.

Thu hoạch cá tại HTX Xuyên Việt.

Thời gian qua, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác (KTTT, KTHT) có bước phát triển, đóng góp cho ngành nông nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Giá xăng sẽ tiếp tục giảm thêm 3.000 đồng/lít vào ngày 21/7?

Trước tình hình giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm mạnh, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tiếp tục đi lùi mạnh trong kỳ điều hành ngày 21/7 tới đây.

Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua các sản phẩm được bán trực tuyến.

Thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, thúc đẩy nền kinh tế số, nhưng song hành với những cơ hội phát triển thì thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc quản lý xây dựng thị trường lành mạnh cũng như chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực này. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ,… trên nền tảng thương mại điện tử đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục