Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng gửi văn bản đến Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và hai nhà đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VECT), Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong việc phối hợp triển khai ETC hoàn toàn trên các tuyến cao tốc.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho hay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 27/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai thu phí điện tử không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc từ ngày 1/8/2022, hiện nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang tập trung triển khai lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý (gồm các tuyến: Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây); dự kiến sẽ tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn tại các tuyến cao tốc nêu trên từ ngày 1/8 tới.
Để thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần khuyến khích các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ, phát huy hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương, Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong quá trình triển khai chủ trương thu phí không dừng hoàn toàn tại các tuyến cao tốc nêu trên.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Cục Cảnh sát giao thông hỗ trợ bố trí lực lượng, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan đơn vị có liên quan trong điều tiết giao thông, xử phạt các phương tiện vi phạm gây mất an toàn giao thông trong quá trình triển khai.
Như vậy, thời gian còn lại chỉ có 10 ngày để các đơn vị hoàn thành các công việc. Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, hiện các đơn vị đang chạy đua lắp đặt hệ thống tại trạm thu phí, đảm bảo chỉ thu phí không dừng trên cao tốc do VEC quản lý từ ngày 1/8 tới.
Đơn vị có số làn cần phải lắp nhiều nhất là các tuyến cao tốc do VEC quản lý với 132 làn ở 4 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Có mặt tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai những ngày này theo ghi nhận của phóng viên, việc lắp đặt thiết bị đang được công nhân khẩn trương hoàn tất. Sau khi lắp đặt xong, sẽ vận hành thử để kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống. Việc lắp đặt thiết bị được các đơn vị triển khai đồng thời trên 4 tuyến cao tốc từ đầu tháng 6.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho hay, tiến độ lắp đặt vận hành hệ thống sẽ đảm bảo theo đúng kế hoạch, đảm bảo 0 giờ ngày 1/8 các tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ chỉ có thu phí tự động không dừng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhi, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành lắp đặt và đang chạy thử. Đối với tuyến TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chạy thử xong vào ngày 26/7 tới. Hai dự án còn lại là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai sẽ lắp đặt và chạy thử nghiệm vào ngày 29/7 tới , đảm bảo cho việc thông xe chỉ có thu phí tự động không dừng trên 4 tuyến cao tốc của VEC.
Về các giải pháp ứng phó với các sự cố, ông Nguyễn Văn Nhi chia sẻ, VEC đã xây dựng kịch bản diễn tập và quy trình xử lý sự cố. VEC sẽ tổ chức diễn tập hiện trường xử lý các tình huống, chống ùn tắc ở 4 tuyến cao tốc.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, để đảm bảo chỉ có thu phí điện tử không dừng trên cao tốc, thách thức lớn nhất là 132 làn thu phí trên cao tốc của VEC.
"Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang hỗ trợ VEC và nhà cung cấp dịch vụ lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm. Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương tuyên truyền dán thẻ để đẩy nhanh tốc độ dán thẻ", ông Toàn cho biết.
Ông Tô Nam Toàn thông tin thêm, hiện có tình trạng một số xe đi quan trạm không đọc được thẻ. Nguyên ngân do thẻ gặp sự cố và thời tiết tác động. Bên cạnh đó, một do lỗi thiết bị tại làn đọc kém dẫn đến không đọc được tín hiệu trên xe. Ngoài ra, một số chủ xe dán 2 thẻ cũng gây ra hiện tượng không xử lý được giao dịch tại làn. Với lỗi này sẽ được nhân viên ứng trực tại trạm xử lý ngay.
Ngoài ra, cũng có một số xe sử dụng biển số giả hoặc thay đổi biển số, dẫn đến ghi nhận sai giao dịch cho xe khác. Tuy nhiên, bộ phận giám sát, hậu kiểm sẽ kiểm tra, rà soát các trường hợp giao dịch nhầm, đã thực hiện hoàn trả lại tiền cho chủ phương tiện. Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý đối với các xe cố tình vi phạm.
Theo quy định, khi vào tuyến cao tốc, phương tiện phải đủ điều kiện thu phí ETC như phải đủ tiền trong tài khoản. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà cung cấp đang hỗ trợ phương tiện nạp tiền vào tài khoản. Việc này sẽ được điều chỉnh qua phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ. Khi phát hiện phương tiện ở đầu vào cao tốc, tài khoản không có tiền hoặc số dư không đủ lưu thông, phần mềm sẽ gửi tin nhắn liên tục cho chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản. Chủ phương tiện trước khi đi vào cao tốc nên kiểm tra trước số dư trong tài khoản giao thông", ông Tô Nam Toàn cho biết.
(Theo Tin tức)