Ông Trần Việt Quân - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Quân, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Chưa khi nào việc vay vốn ngân hàng lại thuận lợi và có lãi suất ưu đãi như hiện nay. Từ năm 2020 đến tháng 4 năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã được cán bộ ngân hàng trực tiếp tới khảo sát tình hình SXKD, hướng dẫn các thủ tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ trên 500 triệu đồng”.
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái thì chất lượng tín dụng các chi nhánh ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được rà soát, đánh giá, phân loại nợ đối với toàn bộ các khoản cấp tín dụng và trên cơ sở đó đã thực hiện hạch toán, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.
Căn cứ định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đề ra, các chi nhánh ngân hàng, QTDND đã triển khai nhiều giải pháp tích cực như: đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại địa phương, khai thác tốt nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa hệ thống; tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay phục vụ SXKD, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xử lý, thu hồi nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, hạn chế nợ xấu phát sinh…
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái thì tổng nguồn vốn các chi nhánh ngân hàng, QTDND đến 30/6/2022 đạt 37.148 tỷ đồng, tăng 8,82% so với 31/12/2021; trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 25.243 tỷ đồng, tăng 9,36% và chiếm tỷ trọng 67,95% trên tổng nguồn vốn. Ước đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn đạt 37.350 tỷ đồng, tăng 9,41% so với 31/12/2021 và tăng 16,95% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 9,60% so với 31/12/2021, chiếm tỷ trọng cao trên tổng nguồn vốn (67,74%) và chủ yếu tăng ở tiền gửi tiết kiệm (tăng 9,18%). Các chi nhánh ngân hàng, QTDND luôn đáp ứng tốt được nhu cầu vay vốn của các khách hàng, nguồn vốn được tăng trưởng đều ngay từ đầu năm.
Hoạt động cho vay của các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn đến 30/6/2022 đạt 33.613 tỷ đồng, tăng 10,74% so với 31/12/2021; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 15.508 tỷ đồng chiếm 46,14% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 18.105 tỷ đồng, chiếm 53,86% tổng dư nợ.
Ước đến 31/7/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn toàn tỉnh đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 12,01% so với 31/12/2021 và tăng 37,12% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 15.658 tỷ đồng, chiếm 46,05% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 18.342 tỷ đồng, chiếm 53,95% tổng dư nợ; chủ yếu cho vay bằng VND…
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đề nghị các chi nhánh ngân hàng và QTDND tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022; triển khai, cụ thể Chương trình hành động số 56/CTr-TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 phù hợp với điều kiện, hoạt động ngân hàng.
Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 51- NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN Việt Nam và các định hướng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam về Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD của các doanh nghiệp, hộ gia đình, kể cả cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất tiền vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đồng thời, chủ động tiếp cận khách hàng, tiếp cận dự án để xem xét cho vay và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn.
Tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả của vốn vay. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của kiểm soát nội bộ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, nhất là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cao như cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông...
Triển khai tích cực, quyết liệt các giải pháp thu hồi và xử lý nợ xấu; hạn chế tới mức thấp nhất nợ xấu phát sinh. Tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN đối với hoạt động của các ngân hàng, QTDND trên địa bàn…
Quang Thiều