Do thiếu vốn, đất sản xuất nông nghiệp ít nên nhiều năm liền gia đình chị Phạm Thị Dịu ở thôn Hương Lý, xã Đại Đồng gặp không ít khó khăn. Đó là chuyện của 5 năm trước, còn hiện tại, nhất là khi được Hội Phụ nữ xã và huyện giúp đỡ để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, cuộc sống của gia đình chị đã từng bước ổn định.
Chị Dịu cho biết: "Trong các năm 2017 và 2021, gia đình được vay trên 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH. Từ nguồn vốn này, gia đình tôi đã tập trung vào trồng rừng và mở rộng mô hình vườn ươm cây quế giống, với tổng diện tích 3.000 m2, hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Kinh tế khá giả, gia đình đã xây được ngôi nhà mới, diện tích 150 m2 với tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ, có điều kiện chăm lo cho các con học tập tốt”.
Cũng như chị Dịu, năm 2017, chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên được bình xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư trồng rừng và kết hợp chăn nuôi theo mô hình trang trại nhỏ. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, phát huy tốt nguồn vốn, hàng năm, gia đình chị Lan duy trì nuôi trên 450 con gà, 25 con lợn, kết hợp nuôi cá, trồng rừng, tổng thu nhập đạt trên 250 triệu đồng/năm.
Thực hiện văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác giữa Hội LHPN huyện với Ngân hàng CSXH, Hội LHPN các cấp trong huyện đã tăng cường khai thác nguồn vốn để tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bà Phan Thanh Yên - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: "Để thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, Hội tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách về các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, qua các hoạt động Hội; phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ tổ chức Hội các cấp, cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); chú trọng công tác giám sát, bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, không để phát sinh nợ quá hạn”.
Ngoài ra, Hội phối hợp với Ban Quản lý tổ TK&VV hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng hạn, gửi tiền tiết kiệm theo quy ước hoạt động của tổ. Hàng năm, Hội xây dựng chương trình kiểm tra công tác ủy thác cho vay tới Hội LHPN các xã, thị trấn, thông qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hội viên để đảm bảo đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích và an toàn vốn tín dụng chính sách.
Hiện nay, Hội LHPN huyện Yên Bình đang quản lý 145 tổ TK&VV ở 24/24 xã, thị trấn trong huyện, tổng nguồn vốn cho vay đạt trên 261 tỷ đồng, với 5.644 hộ vay, tạo việc làm mới cho 3.210 lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập để thoát nghèo.
Hơn nữa, Hội còn huy động tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân và tổ viên tổ TK&VV đạt trên 13 tỷ đồng, mức tiền gửi trung bình tổ viên tổ TK&VV đạt hơn 2,3 triệu đồng/người.
Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi mà nhiều hội viên được tiếp cận vay vốn, được hướng dẫn lựa chọn ngành nghề, hỗ trợ kiến thức có điều kiện tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định. Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều hội viên đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ các cấp trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp Hội trong huyện chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng khảo sát và lựa chọn thành viên vay vốn đúng đối tượng, mục đích đảm bảo tính công khai, dân chủ; thực hiện bình xét công khai tại các buổi sinh hoạt tổ TK&VV, đảm bảo đầy đủ các thành phần theo quy định; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội LHPN làm công tác ủy thác cho vay; làm tốt việc lựa chọn đội ngũ tổ trưởng tổ TK&VV là những người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, đảm bảo đồng vốn chính sách được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong công tác an sinh xã hội.
Văn Tuấn