Là người nhanh nhạy với thị trường, ông Cầu đã mua đất, vay ngân hàng 500 triệu đồng về đầu tư trồng 1 ha cỏ voi; làm chuồng, trại hết trên 1 tỷ đồng rồi mua trâu, bò 3B với quy mô 30 con trâu, bò về nuôi từ năm 2019.
Sau 2 năm chăn nuôi trâu, bò thương phẩm vỗ béo, trừ mọi chi phí ông Cầu thu lãi trên 400 triệu đồng/năm. Năm 2021, ông đi họp tổ dân phố, được cán bộ tổ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đăng ký hỗ trợ chăn nuôi theo NQ 69, ông Cầu đã bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại từ quy mô nuôi 40 con trâu, bò lên 60 con thương phẩm/lứa.
Ông Cầu chia sẻ: "Năm 2019, sau khi đầu tư chuồng trại, tôi tìm mua những con trâu gầy về nuôi vỗ béo khoảng 3 tháng thì xuất bán. Còn nuôi bò thì tôi về các tỉnh miền xuôi mua giống bò 3B về nuôi sau 6 tháng là bán được 1 lứa từ 15 - 20 con và con nhỏ được 800 kg, con to được 1 tấn (chủ yếu bán về Hà Nội). Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu lãi được trên 400 triệu đồng và năm tiếp theo nuôi mỗi lứa trên 40 con trâu, bò, trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y và 2 nhân công… còn thu lãi được trên 400 triệu đồng".
"Năm 2021, tôi đăng ký hỗ trợ chăn nuôi theo NQ 69, được hỗ trợ 30 triệu đồng về đầu tư mua thêm 10 con bò cái 3B hết 250 triệu đồng về nuôi và đến nay bò đã sinh sản được 7 bê con để nuôi thương phẩm. Nhờ NQ 69 hỗ trợ, năm 2021 tôi mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi mỗi lứa lên 60 con trâu, bò thương phẩm/lứa, trừ mọi chi phí còn lãi được 600 triệu đồng và trả xong nợ ngân hàng”. Ông Cầu nói thêm.
Khác với ông Cầu, ông Phạm Văn Kiều ở thôn Cao 1, xã Chấn Thịnh lại chọn đăng ký hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con.
Ông Kiều cho hay: "Năm 2021, tôi đi họp thôn nghe cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đăng ký mô hình chăn nuôi theo NQ 69 nhưng gia đình chưa nuôi quy mô lớn bao giờ nên lo lợn bị bệnh không dám đăng ký hỗ trợ để chăn nuôi. Qua một năm, thấy nhiều hộ trong xã, các xã khác đăng ký nuôi lợn, trâu, bò, gà... đều thành công, thu nhập ổn định nên đầu năm 2022, tôi bàn với gia đình quyết định đăng ký hỗ trợ mô hình chăn nuôi 15 con lợn nái. Sau đó, về đầu tư làm chuồng xây, khung thép, lợp tấm fibroximăng hết 150 triệu đồng và mua 15 con giống về nuôi".
"Đến nay, lợn đã phối giống được 6 con và sắp đẻ. Gia đình tôi dự kiến sẽ nuôi thêm 60 con lợn thương phẩm/lứa. Còn những con nái khác, sau khi đẻ thêm sẽ bán lợn giống để lấy tiền trang trải thức ăn chăn nuôi. Hy vọng, giá lợn hơi sẽ giữ ổn định ở mức khá như hiện nay để người chăn nuôi như chúng tôi có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống”. Ông Kiều cho biết.
Năm 2021, huyện Văn Chấn có 65 cơ sở đăng ký chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo NQ 69, với kinh phí thực hiện là 2 tỷ 020 triệu đồng. Nhìn chung, các cơ sở được hỗ trợ đều đầu tư chuồng, trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, các cơ sở đều phát triển tốt, thu nhập ổn định. Năm 2022, toàn huyện có 94 cơ sở ở các xã, thị trấn đăng ký hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm (gà đen) theo NQ 69, với kinh phí hỗ trợ là 2 tỷ 807 triệu đồng.
Đến ngày 10/8, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiệm thu, giải ngân xong kinh phí đợt 1 cho 65 cơ sở chăn nuôi lợn nái có quy mô 15 con trở lên; chăn nuôi lợn kết hợp với quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt; chăn nuôi lợn nội kết hợp với quy mô 3 nái và 20 lợn thịt; chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên; chăn nuôi gia cầm (gà đen) quy mô 300 con trở lên, với kinh phí đã giải ngân là 2 tỷ 020 triệu đồng. Còn lại 29 cơ sở thực hiện đợt 2, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn nghiệm thu, giải ngân trong quý III năm nay...
Việc tiếp tục triển khai có hiệu quả NQ 69 với quy mô lớn ở huyện Văn Chấn đã kịp thời tiếp sức cho các hộ chăn nuôi có thêm động lực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu.
Minh Hằng