Nhận thấy lợi ích từ việc xây dựng sản phẩm OCOP, anh Trần Mạnh Hiến - thành viên Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả Quy Mông luôn tích cực trồng, chăm sóc diện tích bưởi của gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, anh Hiến đã có 180 gốc bưởi Diễn và Cát Quế từ 5 - 10 năm tuổi.
Anh Hiến chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng bưởi tự phát, chủ yếu theo kinh nghiệm truyền cho nhau nên giá trị thu được chỉ khoảng 40 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, nhờ trồng, chăm sóc cây bưởi theo từng giai đoạn đúng theo tiêu chuẩn VietGAP nên năm 2021 thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên gấp đôi”.
Không chỉ gia đình anh Hiến mà các hộ trồng bưởi ở Quy Mông thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, chất lượng quả bưởi cũng được nâng lên rõ rệt. Để sản phẩm OCOP "Bưởi Quy Mông” phát triển một cách bền vững, xã đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả có múi.
Đồng thời, tạo điều kiện giúp người dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất lúa, đất vườn, đất đồi canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có thế mạnh của địa phương; phát triển từng vùng sản xuất tập trung, nhất là các loại cây ăn quả để nâng cao thu nhập.
Nhờ đó, đến nay, toàn xã có trên 80 ha cây ăn quả. Trong đó, có gần 50 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là bưởi, cam, quýt. Xã cũng đang triển khai dự án phát triển cây ăn quả có múi liên kết theo chuỗi giá trị với 32 ha diện tích vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2021, xã Quy Mông đã thành lập HTX Trồng cây ăn quả Quy Mông với 29 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 500 triệu đồng. Các thành viên HTX liên kết với nhau cùng phát triển sản phẩm bưởi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu trồng, chăm sóc cho tới tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đỗ Xuân Sang - Giám đốc HTX cho hay: "Để trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên trong HTX đều được tập huấn và áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt; ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; liên kết để mở rộng dần diện tích, nâng cao đời sống cho người trồng cây ăn quả có múi”.
Hiện, Quy Mông có trên 70 hộ trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, với các loại bưởi như: bưởi Diễn, da xanh, Cát Quế, bưởi đỏ… Sản phẩm bưởi của Quy Mông đã có tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
Đặc biệt, sản phẩm OCOP "Bưởi Quy Mông” không chỉ được bán tại vườn và các địa phương trong tỉnh mà còn được chào bán qua mạng xã hội facebook, kênh bán hàng thương mại điện tử shopee, webside của HTX.
Cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Quy Mông, giúp cho hàng trăm hộ vươn lên làm giàu, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã đạt 49,5 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Trần Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Quy Mông: Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, với trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đến năm 2024 sẽ nâng hạng sản phẩm OCOP "Bưởi Quy Mông” từ 3 sao lên 4 sao.
Để đạt được điều đó, năm 2022 xã tiếp tục liên kết với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương để nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động người dân cải tạo vườn bưởi kém hiệu quả, chuyển sang trồng các giống bưởi có chất lượng cao như: bưởi Diễn, Cát Quế, da xanh có chất lượng cao, chăm sóc tốt diện tích hiện có và xã hỗ trợ cây giống cho bà con trồng mới 10 ha.
Với những định hướng cụ thể về phát triển cây bưởi của xã Quy Mông và việc liên kết theo chuỗi giá trị thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, đã giúp hàng trăm hộ trồng bưởi vươn lên làm giàu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Minh Huyền