Ngày 8/9, tại Hà Nội, Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia "Hợp tác xã và hộ lâm nghiệp nhỏ tham gia phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nghèo bền vững vùng nông thôn Việt Nam: Chính sách - giải pháp - kinh nghiệp quốc tế và thực tiễn Việt Nam”.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của các hợp tác xã, chủ hộ rừng quy mô nhỏ trong phát triển rừng và bảo vệ rừng trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hợp tác xã và tổ hợp tác lâm nghiệp trên cả nước đang góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Đến cuối năm 2021, cả nước có 181 hợp tác xã lâm nghiệp và gần 2.300 hợp tác xã thương mại dịch vụ có liên quan đến lâm nghiệp như trồng rừng quản lý rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ lâm sản. Cùng với đó có 320 tổ hợp tác lâm nghiệp và 15.000 tổ hợp tác có liên quan đến lâm nghiệp.
Bình quân 1 hộ gia đình có khoảng 1 ha rừng trồng và các hợp tác xã lâm nghiệp, dịch vụ lâm nghiệp quản lý 2,6 triệu ha rừng/4,6 triệu ha rừng trồng cả nước và các tổ hợp tác được giao quản lý, khai thác với bình quân 15ha/đơn vị. Cả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang quản lý, khai thác trên 3,5 triệu ha rừng tự nhiên.
"Nếu các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục duy trì và phát triển bền vững đồng nghĩa với việc hơn 5 triệu ha rừng các loại tiếp tục được phát triển, góp phần quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới", ông Nguyễn Ngọc Bảo cho hay.
Theo bà Phạm Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và Phát triển hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050, trước bối cảnh trong nước và thế giới có những thách thức lớn như: sự biến đổi khí hậu, thời tiết và dịch bệnh có diễn biến phức tạp đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung, phát triển hợp tác xã lâm nghiệp nói riêng phải đảm bảo tính bền vững.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái… Qua đó, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp để đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Để các hợp tác xã lâm nghiệp phát triển kinh tế, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Phạm Tố Oanh cho rằng, cần rà soát, phân loại, lựa chọn các hợp tác xã khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ củng cố, tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển lâm nghiệp hiệu quả hơn.
Đồng thời, tư vấn cho các hợp tác xã liên kết, hợp tác với các hợp tác xã khác, doanh nghiệp khác để phát triển kinh doanh lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực bền vững, kết nối các ngành nghề; tư vấn giúp họ hoàn thiện bộ máy quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng chọn giống cây trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, khai thác, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp…
Căn cứ vào nhu cầu của người nông dân trên địa bàn có rừng, có đất trồng rừng, lựa chọn các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp để tư vấn, hướng dẫn họ thành lập.
Cùng đó, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh dịch vụ của hợp tác xã, tổ hợp tác lâm nghiệp tham gia chương trình quản lý rừng bền vững, chương trình khí hậu quốc gia và chứng chỉ rừng của Việt Nam và quốc tế.
Hiện có nhiều hợp tác xã đã đẩy mạnh đầu tư tư, áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp. Tiêu biểu như: Hợp tác xã lâm nghiệp Công nghệ cao Phú Yên đang sản xuất rừng bền vững FSC theo chuỗi giá trị. Việc ra đời của hợp tác xã đã phát huy thế mạnh của địa phương và kinh nghiệm của người dân.
Đặc biệt, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Hợp tác xã lâm nghiệp Công nghệ cao Phú Yên đã có thêm vốn đề đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng rừng trồng từ đó tạo cơ hội ký được các hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Hợp tác xã cũng đang tạo niềm tin và thu hút được nhiều người dân tham gia mô hình trồng rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Trước vai trò của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án "Hướng tới phục hồi lâm nghiệp nhỏ tại Việt Nam" đặt mục tiêu đến 2030 sẽ phấn đấu phát triển khoảng 1.000 tổ hợp tác lâm nghiệp, từ 150 - 200 hợp tác xã lâm nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 7.500 hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp có hoạt động lâm nghiệp.
(Theo BNEWS)