Thiên nhiên đã ban tặng cho Văn Chấn nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, đơn cử như: vùng sản xuất lúa hàng hóa rộng lớn, giống lúa nếp đặc sản Tú Lệ, vùng chè Suối Giàng, vùng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu… Trong sản xuất công nghiệp lợi thế hơn khi có những con suối lớn thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; trong lòng đất có nhiều tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn, giá trị cao.
Đặc biệt, Văn Chấn là mảnh đất hội tụ nhiều sắc thái văn hóa các dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Mường, Thái, Dao, Khơ Mú… cộng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu trong lành rất thuận lợi cho ngành kinh tế du lịch phát triển.
Khai thác tiềm năng, lợi thế, huyện chú trọng quảng bá nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
Bằng những cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại huyện ngày một nhiều, giá trị sản xuất CN-TTCN ngày một tăng. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha, cây ăn quả có múi 2.000 ha, chè nguyên liệu 4.950 ha, quế khoảng 1 vạn ha, đàn gia súc chính 143.000 con…
Hàng năm, huyện trồng trên 3.500 ha rừng, tạo nên vùng nguyên liệu gỗ gần 20.000 ha. Mấy năm trở lại đây, nông dân các xã vùng cao đẩy mạnh trồng quế, đưa diện tích quế lên đến hàng vạn ha, nhiều diện tích quế đã bắt đầu cho thu hoạch, tạo ra nguồn nguyên liệu và hàng hóa có giá trị lớn.
Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được quan tâm và đã hình thành được các chuỗi sản phẩm như: cam, chè, cây dược liệu, gỗ rừng trồng (FSC); nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của nông dân đã được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Xác định sản xuất CN-TTCN là một nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện chú trọng quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Sản xuất CN-TTCN , nhờ vậy, luôn giữ được nhịp độ và giá trị sản xuất tăng hàng năm. Thống kê cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 590,6 tỷ đồng, tăng 9,44% so với cùng kỳ năm trước và bằng 41,60% kế hoạch.
Trong đó, sản phẩm chè chế biến đạt 7.128 tấn, ván bóc đạt 15.042 m3, đá các loại đạt 243.735 m3, gạch các loại đạt 9,9 triệu viên, quặng sắt đạt 9.900 tấn, điện thương phẩm đạt 204,88 triệu KW, xay xát lương thực đạt 20.050 tấn…
Nhiều dự án đầu tư trên địa bàn Văn Chấn đã phát huy hiệu quả như: Công ty Thủy điện Văn Chấn, công suất thiết kế 57 MW, mỗi năm nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng; Công ty Nippon Zoki - Nhật Bản với ngành nghề nuôi thỏ áp dụng công nghệ cao, quy mô 300.000 con/năm đã góp phần nâng cao năng lực cho nền kinh tế.
Đầu năm 2022, các nhà đầu tư đã triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dịch vụ Văn Chấn vốn đăng ký 320 tỷ đồng, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng suối nước nóng Bản Hốc, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với vùng đất Văn Chấn.
Để phát triển CN-TTCN, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp; tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào địa bàn huyện; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách theo quy định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Huyện tập trung khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn với các chính sách thông thoáng, hành động thông suốt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở.
Lê Phiên