Từ năm 2020 - 2022, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái triển khai xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô được công nhận. Trung tâm đã lựa chọn các xã: Phúc An, Yên Thành, Mỹ Gia, Đại Đồng, Bảo Ái, Tân Nguyên, Vũ Linh, huyện Yên Bình và xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên để thực hiện.
Năm 2020, đơn vị triển khai 40 ha/30 hộ tham gia gồm 2 xã Vũ Linh, Phúc Lợi; năm 2021 triển khai 55 ha/40 hộ tham gia gồm 3 xã Đại Đồng, Bảo Ái, Tân Nguyên; năm 2022 triển khai 55 ha/40 hộ tham gia tại 3 xã Yên Thành, Phúc An, Mỹ Gia. Vật tư đã được hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình bảo đảm 100% theo yêu cầu của hợp đồng và định mức kinh tế kỹ thuật Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón.
Qua 3 năm triển khai đến nay, cây bạch đàn lai mô sinh trưởng và phát triển tốt, hiện tại không có sâu bệnh hại. Qua kiểm tra, đánh giá tại các điểm triển khai và các hộ tham gia mô hình cho thấy, giống bạch đàn lai mô GLGU9, GLSE9, Cự vĩ DH32-29 sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng canh tác của các hộ nông dân.
So sánh với các diện tích trồng bạch đàn mô giống cũ, giống bị thoái hóa do người dân địa phương tự mua giống về trồng cùng thời điểm có thể thấy rõ sự khác biệt. Bạch đàn mô của mô hình có tỷ lệ sống đảm bảo theo yêu cầu trên 90%, cây sinh trưởng phát triển nhanh hơn, độ đồng đều lớn, khả năng chống chịu tốt.
Đặc biệt, có sự chênh lệch rõ về tốc độ sinh trưởng của cây. Bạch đàn mô do người dân tự mua giống về trồng cho thấy cây phát triển kém hơn hẳn, cây yếu, lá dày, sức chống chịu với gió bão kém; cây sinh trưởng phát triển không đồng đều, nhiều nơi còn có hiện tượng cây bị đốm, cháy lá chết và mất khoảng.
Kết quả ban đầu của mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô tại các điểm triển khai đã tạo được niềm tin cho đông đảo nông dân trong xã, giúp họ thay đổi nhận thức trong việc sử dụng giống rõ nguồn gốc và có đầu tư thâm canh rừng.
Mô hình bước đầu đã đạt được kết quả tốt, là điểm cho người dân trong xã, các địa phương xung quanh học tập và mạnh dạn đầu tư thâm canh rừng. Mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức cho người dân trong việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn thâm canh rừng bạch đàn mô nhằm tăng hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích.
Các hộ tham gia mô hình bước đầu đã thấy được hiệu quả trồng rừng gỗ lớn thâm canh bạch đàn mô giống GLGU9, GLSE9, Cự vĩ DH32-29 cùng với đầu tư phân bón, chăm sóc ngay từ năm đầu cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn so với những diện tích người dân trong vùng trồng bạch đàn mô giống cũ từ 30 - 50 cm.
Mô hình cũng tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận kỹ thuật mới về trồng thâm canh gỗ lớn bằng bạch đàn mô giống mới và dần thay đổi thói quen trồng cây lâm nghiệp quảng canh lâu nay không đầu tư chăm sóc hoặc chỉ đầu tư rất ít sang trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, có đầu tư phân bón lót và bón chăm sóc rừng liên tục trong 3 năm.
Mô hình hướng các hộ chuyển dịch từ trồng, kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang trồng thâm canh rừng gỗ lớn, giúp sản phẩm thu được có chất lượng và giá trị cao hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân trong một luân kỳ trồng rừng.
Đây là lần đầu tại Yên Bái có các hộ trồng rừng bạch đàn lai mô bằng giống mới GLGU9, GLSE9, Cự vĩ DH32-29 đã giúp người dân tiếp cận gần hơn với tiến bộ khoa học mới, với giống mới và làm phong phú thêm sự lựa chọn về giống trong sản xuất lâm nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, các hộ, các xã ngoài dự án cũng có cơ hội tham quan, học tập và làm theo.
Nguyễn Thơm