Theo đó, trường hợp quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai.
Hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của tổ chức phát triển quỹ đất
"Cơ quan soạn thảo đã cố gắng cụ thể hóa trong dự thảo luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã được thực tiễn chứng minh đủ rõ, đủ chín, có lý do thuyết phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận.
Đáng lưu ý, dự thảo luật đã bổ sung 1 chương mới quy định về phát triển quỹ đất để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW về "thương mại hóa quyền sử dụng đất”.
Chương này quy định về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Dự thảo đã bổ sung 1 chương mới gồm 6 điều (từ Điều 119 đến Điều 124) nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Một nội dung quan trọng trong chương này là quy định giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý quỹ đất phục vụ Nhà nước giao, cho thuê thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; UBND cấp xã nơi có đất có tránh nhiệm phối hợp với tổ chức phát triển quỹ đất trong việc quản lý, bảo vệ để không bị lấn, chiếm đất.
Trường hợp quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai.
Đặc biệt, dự thảo cũng đã thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW và bổ sung Điều 124 quy định về ngân hàng đất nông nghiệp để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
Phải theo luật nào, nếu có xung đột pháp luật?
So với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, số lượng điều luật giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết đã giảm từ 86 điều xuống còn 48 điều.
Mặc dù vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cụ thể hóa tối đa các nội dung trong dự thảo luật như: các nội dung liên quan đến tiêu chí, điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất, các thủ tục hành chính về đất đai tại Chương XIV… bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Về tính tương thích của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với các luật khác, Chính phủ đã rà soát 112 luật, bộ luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 88 luật, bộ luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật đất đai nhưng có ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất.
Qua đó cho thấy có 22 luật, bộ luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai. Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành Luật Đất đai và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai thời gian vừa qua.
Xuất phát từ thực tiễn đó, để vừa thể hiện Luật Đất đai là luật căn bản về đất đai, vừa tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo luật đã bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong đó phân loại các nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của luật khác.
Trong quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến về nội dung này hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với cách tiếp cận tại dự thảo luật, theo đó quy định phân loại các nhóm quan hệ thực hiện theo Luật Đất đai, nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của luật khác nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật trong thời gian qua.
Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ những nhóm quan hệ trong quản lý, sử dụng đất áp dụng Luật Đất đai, nhóm quan hệ áp dụng theo các luật khác trong dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi và tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật do việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, để xử lý mối quan hệ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để kịp thời khắc phục những điểm chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong điều khoản thi hành của dự thảo.
(Theo SGGP)