Hiện tại, diện tích có rừng của tỉnh là 464.008 ha; độ che phủ của rừng đạt 63% và nằm trong tốp 6 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất toàn quốc. Sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm trên dưới 700.000 m3 các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa đưa Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.
Đặc biệt, để nâng cao giá trị gỗ xuất khẩu, các địa phương đã xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý FSC. Từ nỗ lực và những giải pháp hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh đã có 11.289 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Khi có chứng chỉ FSC thì việc kết nối với khách hàng, đặc biệt các thị trường lớn ở nước ngoài, nhất là những nước châu Âu càng dễ dàng hơn, đồng nghĩa giá trị thực sự về sinh kế sẽ tăng lên.
Chứng chỉ FSC sẽ như tấm vé thông hành cho sản phẩm gỗ rừng trồng ra thế giới, đặc biệt 2 thị trường lớn gồm EU và Mỹ. Hiện nay, việc cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp chủ động đầu tư nguồn kinh phí, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện từ khâu điều tra, khảo sát diện tích rừng; lựa chọn các hộ tham gia; tổ chức tập huấn cho các nhóm hộ liên kết; thuê đơn vị tư vấn đánh giá để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC tại các địa phương...
Để đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các doanh nghiệp như Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát, HTX Lâm nghiệp An Việt Phát, Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Bình Minh… triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng cho các nhóm hộ liên kết trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc cấp chứng chỉ rừng gặp nhiều khó khăn và năm 2022, toàn tỉnh đặt chỉ tiêu có khoảng trên 12.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC và PEFC/VFCS). Tuy nhiên, đến nay, mới cấp chứng chỉ FSC cho 6.698,6 ha/kế hoạch 12.457 ha, đạt 53,77% kế hoạch.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ukraina kéo dài, lạm phát tiếp tục gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ khiến các thị trường này hạn chế nhập khẩu, dẫn đến ách tắc đầu ra cho sản xuất, doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, tạm dừng sản xuất, kinh doanh, dẫn tới giảm dòng tiền, giảm doanh thu do không tiêu thụ được sản phẩm gỗ có chứng chỉ rừng FSC; qua đó, sẽ có tác động lớn đến việc triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp đang tham gia thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh còn yếu về nguồn lực và khả năng triển khai thực hiện nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng của các địa phương. Một vấn đề lớn nữa cũng gây khó khăn không kém; đó là, để có được chứng chỉ, các chủ rừng buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, hay nói cách khác là sổ đỏ.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng của các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tính pháp lý về mặt hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Một rào cản lớn nữa là, chi phí cho việc cấp chứng chỉ cao. Trong khi đó, chủ rừng không đồng nhất và hiện nay diện tích rừng còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại hiện trạng trong cùng một lô rừng (trồng cả keo, quế, bồ đề...); nhiều hộ đăng ký tham gia quản lý rừng FSC và chứng chỉ FSC nhưng lại tự ý khai thác trước hạn, thay đổi loài cây trồng... gây khó khăn cho việc rà soát, đánh giá hồ sơ (làm lại hồ sơ, bản đồ...).
Cùng đó, do nhu cầu thị trường, mà diện tích cấp chứng chỉ FSC chủ yếu được thực hiện với một số loài cây nguyên liệu như keo, bồ đề và chưa mở rộng sang loài cây trồng khác, trong đó có cây quế với diện tích trên 80.000 ha.
Trong bối cảnh xu hướng thị trường quốc tế hiện nay là quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp. Vì vậy, để vượt qua các rào cản về kỹ thuật đặt ra từ thị trường quốc tế thì bắt buộc phải có chứng chỉ FSC. Trong định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 100.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Để tháo gỡ khó khăn cho việc cấp chứng chỉ FSC, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra hàng loạt các giải pháp.
Trong đó, sớm xác định thị trường đối với sản phẩm gỗ rừng trồng để lựa chọn tiêu chuẩn quản lý FSC cho phù hợp. Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát các thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường nào phù hợp theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFSC) thì triển khai thực hiện.
Thị trường nào bắt buộc phải thực hiện theo hệ thống chứng chỉ quốc tế thì xem xét mời các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện nội dung rà soát, thẩm định hiện trường, đánh giá hồ sơ đủ điều kiện gửi tư vấn quốc tế xem xét cấp chứng chỉ FSC theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, người dân rà soát lập hồ sơ quản lý rừng FSC, triển khai đánh giá hiện trường để cấp chứng chỉ rừng bền vững.
Tiếp tục kêu gọi, bổ sung các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm tham gia quản lý FSC và chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh. Tăng cường liên kết các hộ gia đình có diện tích nhỏ lẻ và hướng dẫn người dân cử người đại diện để thực hiện các bước công việc trong cấp chứng chỉ quản lý FSC. Hiện nay, nhu cầu thị trường thế giới đặc biệt ưa chuộng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ (Organic); trong đó, có các sản phẩm từ cây quế.
Với diện tích cây quế trên địa bàn tỉnh trên 80.000 ha; do đó, các địa phương cần tích cực chủ động thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm quế xây dựng, thực hiện các dự án chuỗi giá trị theo Nghị quyết 69/NQ-HĐND để chuyển đổi giữa 2 chỉ tiêu chứng chỉ FSC và VFCS/PEFC và chứng nhận quế hữu cơ để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Bên cạnh đó, cần thu hút được các doanh nghiệp chế biến lâm sản có đủ tiềm lực về kinh tế đầu tư công nghệ nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường; mở rộng và vươn rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để làm tốt vai trò đầu tàu hỗ trợ người dân trong việc cấp và duy trì chứng chỉ FSC.
Thông Nguyễn