Trạm Tấu chú trọng giữ rừng mùa khô hanh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2022 | 7:42:16 AM

YênBái - Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ tăng cường kiểm tra, tuần tra các khu vực dễ xảy ra cháy rừng tại các xã vùng cao; đồng thời, tổ chức kiểm tra việc bám nắm cơ sở của kiểm lâm địa bàn, rà soát các phương án PCCCR của các chủ rừng, cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng...

Cán bộ kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
Cán bộ kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.

Chúng tôi có mặt tại khu vực đồi pơ mu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đúng lúc lực lượng kiểm lâm đang tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ rừng (BVR),  phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô hanh.

Bằng kinh nghiệm công tác nhiều năm ở vùng cao Trạm Tấu, ông Lương Văn Hiệp - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ hướng dẫn bà con trong thôn mùa này tuyệt đối không được đưa lửa vào rừng; đồng thời, phải tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định trong BVR; khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng... 

Bà Lò Thị Muồn, xã Hát Lừu cho biết: "Được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, nhắc nhở, tôi sẽ về thông báo lại cho mọi người trong gia đình không đốt nương làm rẫy, không nhóm lửa hay đưa lửa vào rừng trong mùa này để tránh nguy cơ cháy rừng. Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tham gia vào BVR, PCCCR khi chính quyền địa phương huy động”. 

Theo ông Lò Văn Tụ - Phó Chủ tịch xã Hát Lừu, ngay từ đầu năm, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Quản lý, PCCCR; đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thành viên xuống từng thôn để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết với các hộ dân về BVR, PCCCR. Nhờ đó, nhận thức của người dân trong PCCCR được nâng lên và nhiều năm qua, xã không xảy ra các vụ xâm hại rừng, cháy rừng. Đặc biệt, tại khu vực đồi pơ mu với diện tích khoảng 18 ha, nhờ được chăm sóc, bảo vệ tốt nên cây pơ mu ở đây phát triển rất tốt, có những cây vòng thân đã lên tới trên 100 cm.

Hiện tại, Trạm Tấu có trên 45.700 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên 35.477,67 ha, rừng trồng 10.224,09 ha. Với diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, giáp ranh với nhiều huyện: Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải và các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La của tỉnh Sơn La; nhân dân trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, đời sống nhiều khó khăn nên canh tác còn lạc hậu, dẫn đến các khu vực rừng tự nhiên vẫn đang trong tình trạng bị sức ép xâm hại do một bộ phận người dân sống gần rừng, ven rừng vẫn đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc... 

Mặt khác, do diễn biến thời tiết rất phức tạp, nhất là mùa đông thường có rét đậm, rét hại làm cho thảm thực vật rừng chết khô hàng loạt, mùa khô hanh kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 tháng 5 năm sau và xuất hiện những đợt gió lào thổi mạnh là nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu vụ khô hanh hàng năm, UBND huyện đã giao Hạt Kiểm lâm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của huyện tham mưu tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý BVR, PCCCR niên vụ 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2022 - 2023; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các xã; điều chỉnh, bổ sung phương án BVR, PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với "4 sẵn sàng” (chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng kịp thời chỉ huy chữa cháy khi xảy ra các vụ cháy rừng trên địa bàn). 

Ông Lương Văn Hiệp - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết thêm: "Hạt đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã, ban quản lý bản đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân về BVR, PCCCR; tham mưu với lãnh đạo các xã xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện tổ chức ký cam kết, khoanh vùng, xác định tọa độ các khu vực dễ xảy ra cháy, chủ động nắm rõ diện tích rừng đến từng lô, khoảnh; vận động người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm chấp hành nghiêm các quy định về PCCCR". 

"Bên cạnh đó, Hạt tăng cường kiểm tra, tuần tra các khu vực dễ xảy ra cháy rừng tại các xã vùng cao; đồng thời, tổ chức kiểm tra việc bám nắm cơ sở của kiểm lâm địa bàn, rà soát các phương án PCCCR của các chủ rừng, cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, bảo đảm hiệu quả công tác phối hợp và sẵn sàng huy động lực lượng khi có tình huống cháy rừng xảy ra” - ông Hiệp nói.

Cùng với tăng cường PCCCR, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện đã phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đã khởi tố hình sự 1 vụ vi phạm về tội "Hủy hoại rừng”; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 32 vụ (3 vụ khai thác rừng trái pháp luật; 16 vụ phá rừng trái pháp luật; 2 vụ lấn chiếm rừng trái pháp luật; 6 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật, 5 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật) thu nộp ngân sách Nhà nước trên 233 triệu đồng; tịch thu 7,768 m3 gỗ các loại.

Hùng Cường

Các tin khác
Hoạt động tại Nhà máy gia công giấy xuất khẩu Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

Năm 2022, giá nguyên vật liệu, xăng dầu, cước vận tải tăng cao, lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá, gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN.

Tháng 12/2019, Dự án Ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc hồ Thác Bà được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan vi phạm trong hoạt động đăng kiểm đã bị cơ quan chức năng khởi tố (Ảnh minh hoạ).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đang yêu cầu Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đăng kiểm khẩn trương xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố và báo cáo lãnh đạo Bộ.

Mô hình chế biến gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát, huyện Yên Bình.

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là “tấm vé thông hành” để sản phẩm gỗ rừng trồng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là 2 thị trường lớn EU, Mỹ và được xem là cơ hội giúp các địa phương nâng cao năng lực quản trị rừng. Tuy nhiên, việc triển khai cấp loại chứng chỉ này trên địa bàn hiện vẫn gặp một số khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục