Trong bối cảnh đó, bên cạnh thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tháo gỡ khó khăn cho XSKD, hỗ trợ thị trường tiêu thụ cho DN; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới trong sản xuất.
Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động đã góp phần vào sự tăng trường của lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: dự án thủy điện Sài Lương, công suất 4,5MW sản lượng điện đạt 16,44 triệu KWh/năm; dự án nhà máy chế biến gỗ Yên Bái quy mô sản xuất đũa gỗ xuất khẩu 500 triệu đôi/năm, sản xuất gỗ ván ép 50.000 m3/năm; dự án sản xuất ván lát sàn New Wanli Việt Nam quy mô sản xuất gỗ lát sàn công suất 1.500.000 m2/năm, gỗ tấm khác, công suất 3.000.000 m2/năm; dự án sản xuất ván ép Sunrise YB sản phẩm ván ép công suất 6.000 m3/năm.
Bên cạnh đó, hệ thống khu cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm, thu hút đầu tư. Hạ tầng thương mại cũng phát triển với việc đưa vào hoạt động 2 Showroom ô tô, Trung tâm Thương mại Melinh Plaza Yên Bái; hoàn thành xây dựng chợ Bến Đò; chợ Mường Lò khu C; chợ Lục Yên, thực hiện đầu tư, cải tạo nâng cấp 6 chợ nông thôn; phát triển mới thêm 9 cửa hàng xăng dầu và nhiều hạ tầng bán lẻ khác. Hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử từng bước được đổi mới, tích cực thực hiện việc chuyển đổi số, áp dụng nền tảng số, công nghệ số trong hoạt động.
Người tiêu dùng tham quan các gian giới thiệu hàng nông - thủy sản Yên Bái tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long do Sở Công Thương tổ chức.
Bên cạnh sự tác động kịp thời của chính sách, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh, ngành công thương, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN cũng là điểm nhấn đáng khích lệ, bởi trong khó khăn, nhiều DN đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các công đoạn dư thừa; thực hành tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu; đồng thời, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ vậy, nhiều DN công nghiệp duy trì SXKD ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam; Công ty cổ phần Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái, Công ty TNHH MTV Đá trắng Bảo Lai, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái; Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An; Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn; Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái; Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn. Các DN thương mại như Công ty Xăng dầu Yên Bái; Tổng Công ty Hòa Bình Minh; Công ty TNHH TM và Dịch vụ Hải Phượng; Công ty TNHH Tuấn Tuyết Yên Bái; Siêu thị Vinmart Yên Bái... phát huy tốt vai trò chủ đạo trong cung ứng hàng hóa thiết yếu ra thị trường; đồng thời, tích cực tham gia đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Với sự nỗ lực không ngừng, dù năm 2022 chưa kết thúc nhưng ngành công thương Yên Bái đã cán đích với những con số ấn tượng: giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) (giá so sánh 2010) ước đạt 15.540 tỷ đồng, tăng 9,43% so với cùng kỳ, vượt 0,3% kế hoạch; chỉ số phát triển SXCN tăng 9,3% so với cùng kỳ, vượt 3,3% kế hoạch; cân đối cung - cầu toàn thị trường được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.815,3 tỷ đồng, tăng 12,96% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ tiêu dùng vượt 26% kế hoạch; giá trị xuất khẩu ước đạt 297 triệu USD, tăng 31% so cùng kỳ, tương đương 71 triệu USD; thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng hàng hóa đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường, hiện nay toàn tỉnh có trên 80 DN, hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... và hơn 30 thị trường khác.
Thông Nguyễn