Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 18.970 ha, phấn đấu sản lượng 106.630 tấn. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp cùng với các địa phương chỉ đạo thực hiện vụ sản xuất lớn nhất trong năm.
Những ngày này, thời vụ gieo cấy rất khẩn trương, các địa phương và bà con nông dân đang tập trung huy động các nguồn lực, máy móc, nhân công tranh thủ ra đồng, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch diện tích trong khung thời vụ đã đề ra.
Vụ xuân năm nay, huyện Văn Yên đưa vào gieo cấy 2.970 ha lúa. Với cơ cấu giống lúa lai, gồm: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, TH3-3; lúa thuần chủ lực là Hương chiêm, HT1, Thiên ưu 8, JO2.
Theo đó, huyện chỉ đạo vùng thấp đưa vào gieo cấy 60% diện tích lúa thuần chất lượng cao Hương chiêm, HT2. Đặc biệt vùng lúa Đại - Phú - An bố trí 100% diện tích lúa thuần được gieo cấy bằng giống lúa Hương chiêm.
Để đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, huyện Văn Yên chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng. Các địa phương ngay sau khi thu hoạch vụ đông đã chỉ đạo, đôn đốc huy động hệ thống máy móc kịp thời làm đất, vận động bà con khẩn trương xuống đồng gieo cấy lúa xuân.
Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy, phấn đấu giành thắng lợi vụ xuân trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất, sản lượng.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên kiểm tra tiến độ sản xuất lúa xuân.
Với quyết tâm giành thắng lợi toàn diện vụ xuân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã sớm tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương căn cứ vào lịch thời vụ, chủ động thực hiện các khâu như: làm đất, lấy nước...
Đối với cây lúa, tiếp tục thực hiện chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn, tăng diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao, đặc biệt khuyến khích mở rộng diện tích cấy lúa và áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình sử dụng các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, các giống có khả năng chống chịu với các đối tượng sâu, bệnh, các giống chuyển gen kháng bệnh (bạc lá, đạo ôn cổ bông).
Đặc biệt, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, kinh nghiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất của các cấp, các ngành và nhận thức của bà con nông dân đã được nâng lên, nhất là việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống diễn biến bất lợi của thời tiết ở vụ xuân, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại đầu vụ.
Cùng với đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào sản xuất, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng, như: gieo mạ khay, cấy máy, máy gặt, máy làm đất... vừa tranh thủ được thời vụ, giảm lượng giống, giảm công lao động và chi phí sản xuất.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố có thời vụ cấy sau tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, tập trung cấy lúa trong tháng 2 dương lịch, tốt nhất là cấy sau tiết lập xuân.
Các địa phương chủ động gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 - 10% bằng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn để ứng phó kịp thời nếu gặp rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra. Sau tiết lập xuân vào ngày 4/2 (ngày 14/1 năm Quý Mão), tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân các địa phương trong toàn tỉnh khẩn trương xuống đồng gieo cấy và chăm sóc lúa xuân.
Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 28/2. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chăm bón, bảo vệ cây lúa, tổ chức diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh các loại bảo vệ sản xuất.
Bên cạnh sát sao khung lịch thời vụ, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng bộ cơ cấu giống phù hợp. Trong đó, cơ cấu giống lúa lai chiếm 55 - 60% diện tích gieo cấy, giống lúa thuần chiếm 40 - 45% trên cơ sở là các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Chỉ đạo các địa phương, người dân sử dụng các giống lúa có xác nhận. Trong đó, giống lúa lai chủ lực là: Nhị ưu 838, Syn6, Nghi hương 305; lúa thuần tập trung vào các giống: Hương chiêm, ĐS1, Séng cù, Thiên ưu 8.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, vụ xuân năm nay cũng còn gặp nhiều khó khăn như: thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ có rét đậm, rét hại; giá vật tư nông nghiệp như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng; giá nguyên liệu như: xăng, dầu tăng... làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp cao, người dân thu lãi thấp, dễ phát sinh tâm lý không chú trọng đầu tư sản xuất, ảnh hưởng đến chỉ tiêu, kế hoạch diện tích, năng suất, sản lượng của cả vụ.
Do đó, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường chỉ đạo, sâu sát hộ sản xuất; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngành chuyên môn tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại cho sản xuất....
Cùng với đó, cán bộ phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tích cực xuống cơ sở kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân gieo cấy, chăm sóc lúa xuân. Đến ngày 16/2, toàn tỉnh gieo cấy được trên 16.306 ha, đạt trên 85,96% kế hoạch.
Hồng Duyên