Tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng giống phù hợp
Khởi động sản xuất vụ xuân 2023, trên địa bàn tỉnh liên tiếp đón nhận những đợt rét đậm báo hiệu một mùa vụ đầy khó khăn, thách thức. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Năm 2023, tiết Đại hàn vào ngày 21/1/2023 tức ngày 30/12/2022 âm lịch. Đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm; tiết lập xuân vào ngày 4/2/2023, tức ngày 14/1/2023 âm lịch, sau tết Nguyên đán. Trên cơ sở đó, các địa phương tùy thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét "Nàng Bân” khi lúa trỗ, tránh lụt "tiểu mãn” ở vùng đất thấp khi thu hoạch".
"Đối với các huyện, thị xã, thành phố có thời vụ cấy sau tết Nguyên đán chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ, cấy; tập trung cấy lúa trong tháng 2 dương lịch, tốt nhất là cấy sau tiết lập xuân. Các địa phương cần chủ động gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 - 10% bằng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra. Huyện Mù Cang Chải thời vụ gieo cấy trà 1 khoảng 300 ha trước tết Nguyên đán cần sử dụng kỹ thuật làm mạ dày xúc có mái che nilon và có lớp bùn dày chống rét, lưu ý cần tháo nilon luyện mà trước cấy 2 - 3 ngày”, ông Thủy nói thêm.
Bên cạnh sát sao khung lịch thời vụ, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng bộ cơ cấu giống phù hợp; trong đó, cơ cấu giống lúa lai chiếm 55 - 60% diện tích gieo cấy; giống lúa thuần chiếm 40 - 45% trên cơ sở là các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái các vùng, các huyện thị, nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận; trong đó, giống lúa lai chủ lực là: Nhị ưu 838, Syn6, Thụy hương 308, Nghi hương 305; lúa thuần tập trung vào các giống: Hương chiêm, ĐS1, Séng cù, Thiên ưu 8…
Để tránh rét cho lúa xuân, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương hạn chế tối đa gieo cấy trà xuân sớm, tập trung gieo cấy trà xuân chính vụ và mở rộng tối đa trà xuân muộn. Mở rộng diện tích lúa gieo thẳng bằng dụng cụ sạ hàng hoặc gieo bằng tay trên chân đất vàn và vàn cao.
Để tránh rét, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo không gieo mạ hoặc gieo thẳng cấy lúa những ngày trời rét đậm, nhiệt độ dưới 13 độ C; 100% diện tích mạ được che phủ bằng nilon để chống rét và hạn chế sự nhiễm bệnh vàng xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa; chuẩn bị giống dự phòng bằng những giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp thời tiết rét đậm, rét hại.
Tích hợp đa giá trị
Song song với các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng, ngành nông nghiệp bước đầu hướng tới nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: "Nhằm cụ thể hóa chủ trương tích hợp đa giá trị giữa sản xuất nông nghiệp với các lĩnh vực kinh tế khác; trong đó, có hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống lúa vụ xuân năm 2023 sát sao về thời vụ gieo trồng cho từng giống, từng trà lúa, từng địa bàn xuyên suốt từ vụ xuân, vụ mùa về làm đất, đổ nước, gieo mạ, cấy để đảm bảo các giống lúa, trà lúa sinh trưởng, phát triển thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cho năng suất, sản lượng đảm bảo an ninh lương thực và cơ bản trỗ, chín cùng thời điểm thời gian tổ chức các mùa lễ hội, đặc biệt lựa chọn bộ giống và áp dụng các biện pháp canh tác, chăm sóc để kéo dài thời gian lúa chín, thời gian thu hoạch trong vụ mùa gắn với du lịch lễ hội mùa vàng tại huyện Mù Cang Chải”.
Cùng với đó, để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, các địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện các vùng gieo cấy cùng một giống lúa có thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện đầu tư áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Bà Phạm Thị Đông - Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông - lâm, thủy sản TND cho biết: gạo Séng cù Mường Lò đã được xây dựng trở thành sản phẩm OCOP 4 sao. Đơn vị tiếp tục liên kết với nông dân các xã: Hạnh Sơn, thị trấn Nông trường Liên Sơn sản xuất lúa gạo Séng cù đảm bảo chất lượng, đảm bảo đầu ra cho nông dân với quy mô khoảng 30 ha; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Hiện nay, tại các địa phương, cùng với việc lên kế hoạch, sẵn sàng cho công tác chuẩn bị xuống giống, chính quyền các cấp cũng tăng cường cao nhất công tác quản lý về thời vụ sản xuất, cung ứng giống và vật tư.
Ông Lê Văn Quyền - Quyền Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Vụ xuân, toàn huyện đưa vào gieo cấy 2.970 ha lúa, cơ cấu giống lúa lai gồm Nhị ưu 838, Nghi hương 305, TH3-3; giống lúa thuần chủ lực là Hương chiêm, HT1,TRB225, Thiên ưu 8, JO2. Trong đó, vùng thấp đưa vào gieo cấy 60% diện tích lúa thuần chất lượng cao Hương chiêm, HT2; đặc biệt
vùng Đại - Phú - An bố trí 100% diện tích lúa thuần được gieo cấy bằng giống lúa Hương chiêm; đồng thời, huyện tiếp tục trồng thử nghiệm một số giống lúa mới như ST25 tại một số xã trên địa bàn. Để ứng phó với những khó thời tiết, huyện chỉ đạo các địa phương tuân thủ, chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ của tỉnh và cơ cấu giống lúa của đia phương, đối với các xã vùng thấp tập trung gieo mạ sau tiết tiểu hàn”.
Thông Nguyễn