Khẳng định vai trò của phụ nữ Yên Bái trong phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/3/2023 | 11:07:48 AM

YênBái - Chiếm tỷ lệ trên 45% lực lượng lao động của tỉnh, phụ nữ Yên Bái đang tham gia vào tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng đến giao thông, du lịch.

Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế của phụ nữ xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn.
Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế của phụ nữ xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn.


Nhờ tư duy, sáng tạo, tinh thần ham học hỏi, chịu thương, chịu khó, nhiều chị em đã làm chủ các mô hình phát triển kinh tế, tạo ra những sản phẩm mới từ những cây trồng chủ lực của tỉnh như: quế, chè, măng tre Bát độ, dâu tằm; tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; làm du lịch, thương mại, dịch vụ... mang về thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Không dừng lại ở đó, từ vị thế chủ nông hộ sản xuất, chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ, nhiều chị đã vươn lên đảm nhận vai trò quản lý, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Điển hình như các chị: Bùi Thị Sửu - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái; Phùng Thị Tuyên - Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Hải Đăng, xã Quy Mông (Trấn Yên); Trần Thị Tình - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp (Văn Yên); Nguyễn Thị Khuyên - Hội Nữ doanh nhân trẻ huyện Yên Bình… 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Hội Nữ doanh nhân với tổng số trên 200 hội viên. Hàng năm, các doanh nghiệp do các nữ doanh nhân làm chủ có tổng doanh thu trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 20 tỷ đồng; tạo việc làm và thu nhập khá cho hơn 2.000 lao động địa phương. 

Toàn tỉnh có trên 7.400 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó có gần 1.800 mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm, 92 mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Các chị em phụ nữ đã đứng ra thành lập gần 600 tổ hợp tác, 24 hợp tác xã và 14 doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản, ngành nghề…, góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân và thực hiện tốt chiến lược giảm nghèo bền vững tại các địa phương. 


Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, tham gia Cuộc thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức, phát động, 4 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 80 ý tưởng, dự án của các chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham dự ở tỉnh và trung ương. 

Nhiều ý tưởng tốt đã được Hội LHPN tỉnh giúp đỡ và khởi nghiệp thành công. Tiêu biểu như Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) do chị Lý Thị Ninh, dân tộc Mông ở bản Trống Tông làm Tổ trưởng. Đây là một trong số các tổ hợp tác được thành lập từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. 

Từ 27 thành viên ban đầu, đến nay, Tổ hợp tác đã có gần 50 thành viên, doanh thu hàng năm đạt trên 600 triệu đồng. Năm 2020, sản phẩm của Tổ hợp tác đã được chị Ninh đưa đi tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị Ninh đã trở thành 1 trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được trao Giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững”. 

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: "Bước tiến mới của phụ nữ Yên Bái là sự chủ động sáng tạo hội nhập, tranh thủ những chủ trương, chính sách của Đảng để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.., góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đưa Yên Bái sớm trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”. 

Với vai trò là "điểm tựa” của hội viên, phụ nữ, thời gian tới, Hội LHPN các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, hỗ trợ vốn vay cho gia đình hội viên phụ nữ phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm; duy trì có hiệu quả hoạt động nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế; phối hợp đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ và lao động nông thôn. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”; duy trì Phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi” tại các cơ sở hội.

Hồng Oanh

Tags khẳng định vai trò phụ nữ phát triển kinh tế nông nghiệp công nghiệp xây dựng giao thông du lịch

Các tin khác

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này nông dân thị xã Nghĩa Lộ đang tích cực xuống đồng chăm sóc, bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh cho vụ lúa Đông Xuân 2023 với hy vọng vụ mùa sẽ đạt năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những vùng chè được cấp mã số vùng trồng

Nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu, ngành nông nghiệp và các địa phương tỉnh Yên Bái đang tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là tấm “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (thứ tư bên trái) thăm mô hình trồng cây ăn quả của hội viên, nông dân xã Yên Phú, huyện Văn Yên.

Chủ trì, phối hợp xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất Hội Nông dân tỉnh đã giúp nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường hợp tác liên kết sản xuất, trao đổi thông tin về thị trường, giá cả, vật tư, phân bón và các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, hình thành các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Chính trị kết luận về định hướng phát triển giao thông đường sắt

Ông Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục