Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn lợn của thành phố có hơn 1,6 triệu con, đàn gia cầm hơn 42 triệu con, đàn trâu, bò gần 170 nghìn con; tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đến nay, các hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị con giống vào vụ nuôi mới.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã tái đàn theo hướng có kiểm soát. Anh Nguyễn Văn Sâm (huyện Lập Thạch) chia sẻ: "Dịp Tết vừa qua gia đình xuất bán hơn 50% tổng đàn gà, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Vừa qua, tôi đã tiến hành rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chung quanh bằng chế phẩm Cloramin B, phơi chuồng khoảng 20 ngày rồi mới tái đàn”.
Ở Tuyên Quang, tỉnh đề ra mục tiêu đến hết năm có tổng đàn trâu, bò đạt gần 140 nghìn con, đàn lợn gần 600 nghìn con, đàn gia cầm hơn 7,6 triệu con. Hiện ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, người chăn nuôi thực hiện tái đàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tại tỉnh Thái Nguyên, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, chọn mua con giống tốt để tái đàn. Đơn cử như hộ anh Nghiêm Văn Tuân (huyện Phú Lương), sau khi thu dọn khu vực chăn nuôi sạch sẽ, vừa vào đàn gà lứa mới, bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho vật nuôi trong những ngày thời tiết lạnh. Cùng với đó, một số tỉnh ở miền trung và Tây Nguyên cũng tiến hành tái đàn vật nuôi.
Tại tỉnh Đắk Nông, nhiều trang trại chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng và đi vào hoạt động, điển hình là trang trại chăn nuôi lợn Khang Thọ (huyện Krông Nô) quy mô 48 nghìn lợn thịt; trang trại chăn nuôi Quảng Sơn (huyện Đắk G’long) với quy mô 2.700 lợn nái và 42 nghìn lợn thịt.
Ðồng hành với các địa phương, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, như: Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco…, cũng triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất. Có ý kiến cho rằng, việc tái đàn vật nuôi mang ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường.
Theo các chuyên gia, để tái đàn đạt hiệu quả, các địa phương cần tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, nhất là đối với chăn nuôi lợn. Đồng thời triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tiếp tục xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn, theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất. Duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống. Bên cạnh đó, các nông hộ nên nghiên cứu kỹ thị trường, có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Đối với gia súc, gia cầm nuôi mới, cần cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
(Theo NDO)