Sản xuất nông nghiệp đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, địa phương. Tổ chức sản xuất nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện, nông sản qua chế biến, chế biến sâu đã tăng đáng kể, thị trường tiêu thụ đã vượt qua nội tỉnh và xuất khẩu tăng cả về sản lượng và giá trị.
Từ một địa phương có phương thức sản xuất manh mún, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế, Yên Bái không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa với những cây, con chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Kinh tế nông nghiệp hàng năm có mức tăng trưởng cao. Năm 2022, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 5,95% so cùng kỳ và đạt 131% kế hoạch.
Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 22,57% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đứng thứ 6/14 tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Quan trọng hơn, Yên Bái đã xây dựng phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: 81.000 ha quế, sơn tra 10.000 ha, cây ăn quả 10.000 ha, dâu tằm trên 1.000 ha, 90.000 ha rừng nguyên liệu, 5.400 ha tre măng Bát độ. Phát huy lợi thế vùng đã phát triển vùng hàng hóa đặc sản như: lúa nếp Tú Lệ 100 ha, chè Shan hữu cơ Văn Chấn, Trạm Tấu 1.200 ha…
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Bái là điểm sáng trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 99 xã đạt chuẩn NTM (10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu). NTM không chỉ mang đến luồng sinh khí, diện mạo mới cho mọi miền quê, mà còn làm đổi thay đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ không có gì nay phát triển 183 sản phẩm OCOP từ 3 sao - 5 sao và đưa 155 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại Voso.vn và Postmart.vn. Chỉ tính riêng năm 2022, tổng số giao dịch thành công là 7.113 đơn hàng với doanh thu trên 1.188 triệu đồng.
Kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, Yên Bái tiếp tục xây dựng thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng NTM hiện đại, bền vững.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…, tạo lập sinh kế bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, thế mạnh các vùng đáp ứng mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, văn minh”. Đi đôi với đó là xây dựng hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển.
Phát triển kinh tế nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn từ hoạt động phi nông nghiệp, tạo việc làm, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 4,5%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân từ 1-2% năm; tỷ trọng trồng trọt và dịch vụ chiếm 29-30% trong cơ cấu giá trị sản xuất. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 85 triệu đồng/ha… Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 321.000 tấn; tổng đàn gia súc chính trên 1,2 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 95.000 tấn, thủy sản trên 16.000 tấn…
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu thị trường, cung cấp đủ cho chế biến. Đổi mới hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác. Đối với nhóm sản phẩm chủ lực sản xuất theo quy trình sản xuất tốt, tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm địa phương, đặc sản gắn với xây dựng NTM theo mô hình OCOP.
Trong trồng trọt ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh, nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao…). Chăn nuôi tập trung phát triển tại huyện Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình. Khuyến khích chăn nuôi trâu, bò theo quy mô vừa và lớn theo quy trình sinh học, khép kín. Thủy sản phát triển nhanh theo hướng nuôi công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác tiềm năng du lịch…
Trong lĩnh vực lâm nghiệp phát triển một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế hình thành vùng nguyên liệu tập trung như: quế và các sản phẩm từ quế quy mô trên 80.394 ha; gỗ rừng trồng 90.000 ha, sơn tra 9.369 ha, măng tre Bát độ quy mô 5.215 ha. Phát triển trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững cấp chứng chỉ FSC…
Song song với đó là tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Chuyển mạnh từ xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng”. Triển khai thiết lập đồng bộ cả 4 trụ cột chính của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn "nhận thức chuyển đổi số, nền tảng số, hạ tầng số, nguồn nhân lực chuyển đổi số”.
Rõ việc, rõ người, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, táo bạo, chắc chắn, sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Thanh Phúc