Yên Bái xác định nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/1/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025. HĐND, UBND tỉnh cũng ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách, đề án phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất.
Phát triển kinh tế nông nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết: thời gian qua, tỉnh quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phát huy lợi thế so sánh, sự đa dạng các vùng sinh thái của tỉnh, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 39 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 152 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 25,6 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phát triển được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm chủ lực và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ. Tỉnh đã xây dựng, phát triển được 138 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (20 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao).
Trồng cam theo hướng hữu cơ đã mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên Hợp tác xã Cam Bình Thuận, huyện Văn Chấn.
Tỉnh đến hết năm 2021, đã có 36 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó, có 8 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý, 18 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, 10 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Yên Bái cũng là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển lâm nghiệp, chế biến gỗ với diện tích đất rừng lớn với 532.000 ha, độ che phủ cao, chiếm 63% diện tích tự nhiên của tỉnh, đứng thứ 4 toàn quốc. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trung bình mỗi năm đạt 900.000 m3; quế trên 10.700 tấn/năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.340 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 90.000 - 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC hoặc hữu cơ. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với phát triển du lịch ở nông thôn như: chế biến gỗ rừng trồng, măng tre, sơn tra, tinh dầu quế, tơ tằm...
Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 44 doanh nghiệp chế biến gỗ; 2 doanh nghiệp sản xuất giấy đế và giấy vàng mã, với sản lượng sản phẩm ván bóc, xẻ thanh khoảng 380.000 m3/năm; ván ép, ván ghép thanh khoảng 75.000 m3/năm; giấy đế, giấy vàng mã khoảng 35.000 tấn/năm; dăm gỗ khoảng 40.000 tấn/năm; 13 nhà máy và 120 cơ sở chế biến tinh dầu quế, hơn 64 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 2 nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ở nông thôn, cung cấp các dịch vụ thiết yếu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Cùng với đó, tỉnh tập trung đổi mới, xây dựng và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác đã tích cực ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đến hết tháng 7 năm 2022, trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 374 hợp tác xã, với trên 9.000 thành viên, 3.000 tổ hợp tác với 43.800 tổ viên.
Phát triển nông nghiệp đặc sản, hữu cơ
Thời gian qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đặc sản, hữu cơ tùy vào điều kiện của từng vùng sản xuất. Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy cũng xác định ưu tiên các nguồn lực để mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ cấp chứng chỉ hữu cơ quốc tế; hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất để hướng đến xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản. Tùy theo từng vùng sản xuất, tỉnh xác định triết lý phát triển nông nghiệp phù hợp nhằm phát huy tối đa điều kiện đặc thù của từng vùng, nâng cao giá trị sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết: với vùng cao, tỉnh xác định bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP như: lúa nếp Tú Lệ, sơn tra ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, chè Shan hữu cơ tại các xã: Suối Giàng, Nậm Mười, Sùng Đô, huyện Văn Chấn và xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu; gà đen, lợn bản địa ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng, huyện Lục Yên; quế hữu cơ của huyện Văn Yên, Trấn Yên…
Với vùng thấp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP, gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến và hệ thống vận chuyển, kho bãi.
Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung theo hướng liên kết nhiều vùng sản xuất vừa và nhỏ liền kề tạo ra vùng sản xuất lớn.
Chú trọng khâu bảo quản, chế biến nông sản; xây dựng hệ thống trung tâm kết nối xúc tiến tiêu thụ, ổn định thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh đang phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương và ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh hợp tác xã kiểu mới.
Đẩy mạnh liên kết ngang giữa nông dân trong hợp tác xã, doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp và hợp tác xã dẫn dắt, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ dân, tổ hợp tác trong chuỗi giá trị. Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung quy mô lớn, ngoài khu dân cư, áp dụng công nghệ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Tăng đàn gia súc chính đến năm 2025 lên khoảng 1 triệu con, phát triển đại gia súc tại các huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên; chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại tại các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm an toàn sinh học, đi vào chuỗi cung ứng có giá trị và thương hiệu, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 30% vào năm 2025.
Tỉnh cũng xác định tập trung phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ FSC. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất giống phục vụ mục tiêu trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với nhóm cây chủ lực của tỉnh; thu hút doanh nghiệp có thế mạnh đầu tư lâm nghiệp bền vững; liên kết doanh nghiệp với các hộ dân và hợp tác xã sản xuất, chế biến lâm sản theo chuỗi giá trị.
Nông nghiệp Yên Bái với tư duy phát triển xanh được biết đến với những trái cam, quả bưởi được trồng theo hướng hữu cơ ở Văn Chấn, Yên Bình hay quế "Organic” ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Việc chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường sẽ là tiền đề quan trọng để Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Mạnh Cường