Quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng về phục hồi sản xuất

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/3/2023 | 2:39:17 PM

Ngành sản xuất Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng là nhận định tóm gọn khi nói về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 vừa được công bố. Nhiều tờ báo quốc tế cũng nhắc tới Việt Nam như điểm sáng khi hoạt động sản xuất, xuất khẩu có nhiều dấu hiệu cải thiện.

Ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi (ảnh minh họa).
Ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi (ảnh minh họa).

Ngành sản xuất tại Việt Nam tốt dần lên

S&P Global vừa công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2023. Theo tổ chức này, ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới nhiều lên. Nhu cầu cải thiện đã khiến niềm tin kinh doanh tăng lần thứ ba liên tiếp.

Trong khi đó, áp lực chi phí tiếp tục tăng khi giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm ngoái. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng nhanh hơn. Năng lực của nhà cung cấp tiếp tục cải thiện.

Kết quả, chỉ số chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 2 đạt 51,2 điểm, tăng 3,8 điểm phần trăm so với tháng trước. Trong khi 3 tháng trước đó, chỉ số này liên tiếp nằm dưới mức 50 điểm.

Ông Andrew Harker - Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - cho biết, nhân tố chính giúp ngành sản xuất tại Việt Nam tốt dần lên là nhu cầu thị trường cải thiện.

Nhu cầu ở đây bao gồm cả trong nước và nước ngoài, qua đó kết thúc thời kỳ suy giảm nhẹ kéo dài nhiều tháng vừa qua.

Số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và sản lượng công nghiệp tăng 3,6%. Trong hai tháng đầu năm 2023, sản lượng công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam giảm gần 10% trong năm 2023 và sản lượng linh kiện điện thoại di động giảm gần 15%. Tuy nhiên, xuất khẩu điện thoại thông minh tăng 14,7%, chỉ dấu cho thấy các công ty giảm lượng hàng tồn kho trong tháng 02/2023; sản xuất giày dép tăng gần 19% và xuất khẩu tăng 4,1%.

Nhiều tờ báo quốc tế cũng nhắc tới Việt Nam như điểm sáng khi hoạt động sản xuất, xuất khẩu có nhiều dấu hiệu cải thiện. Tờ Channel News Asia viết, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tháng 2/2023 so với cùng kỳ năm 2022. Đây là chỉ dấu cho nhu cầu toàn cầu với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi.

Cũng theo tờ báo này, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 2/2023 lên 25,88 tỷ USD, sau khi giảm 21,3% trong tháng 1/2023.

Tăng sức mua của thị trường nội địa

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã cho thấy "những tín hiệu khởi sắc khi bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng”. Điểm sáng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong hai tháng đầu năm là cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trái ngược với trạng thái thâm hụt 300 triệu USD của cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD là: Điện thoại và linh kiện ước đạt 9,4 tỷ USD, tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện 6,9 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%.

Sản xuất cho thị trường trong nước cũng nhận tín hiệu khởi sắc. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%. Con số này cũng tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay có thể "trông đợi” vào đầu tư công và thị trường nội địa. Với đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao.

"Vấn đề là làm sao tăng sức mua của thị trường nội địa. Thu nhập của người dân năm nay sẽ tiếp tục tăng nhờ tăng lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và tăng lương cơ sở của khu vực nhà nước. Tuy nhiên khối lượng tiền đổ vào lưu thông nhờ tăng lương chỉ có hạn, nên muốn tăng được thị trường nội địa thì chỉ bằng giải pháp tiền tệ, cụ thể là lãi suất”, ông Phạm Thế Anh nói.

Thực tế, theo thông tin mới nhất từ NHNN, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam dự báo đạt 7,2%. Tuy nhiên, các chuyên gia và một số định chế quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam cần chú ý đến các rủi ro về lạm phát và các tác động từ kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu giảm, cán cân thanh toán yếu.

Ngoài ra, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm, nhưng các chuyên gia lo ngại mức độ này cũng chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh và lãi suất gửi tiết kiệm vẫn còn rất hấp dẫn khiến người dân vẫn muốn gửi thay vì đưa tiền ra kinh doanh hoặc tiêu dùng.
(Theo TPO)

Các tin khác
Thiết kế cầu Thượng Cát do đơn vị tư vấn thực hiện. Nguồn: Ban quản lý dự án công trình giao thông.

Cầu Thượng Cát qua sông Hồng sắp được Hà Nội xây dựng với chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Toàn An, xã Đông An.

Thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 và Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản hữu cơ, trong năm 2021 và 2022, huyện Văn Yên đã triển khai hỗ trợ cho hàng trăm cơ sở phát triển chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, lợn và dê với số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi khá hiệu quả, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Đoàn công tác huyện Yên Bình kiểm tra công trình thủy lợi tại xã Cảm Nhân.

Trên những cánh đồng ở các thôn Làng Hùng, Làng Dự, Ngòi Quán, Phạ 1, Phạ 2, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, người dân đang tập trung dẫn nước, làm đất, bón phân đúng lịch thời vụ. Các thửa ruộng gần khu vực cấp nước của địa phương sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều tiết cho ruộng phía dưới. Nước đủ để dưỡng, người dân sẽ tiến hành bón thúc cho cây lúa. Chẳng mấy chốc, gần 300 ha lúa ở Cảm Nhân sẽ "no" nước, đủ phân, cây lúa có điều kiện tốt để sinh trưởng.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục