Xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu hiện có trên 5.877 ha rừng phòng hộ các loại và 534,55 ha rừng ngoài quy hoạch. Hiện tại, tất cả diện tích rừng trên địa bàn xã đã được giao khoán cho các chủ nhóm hộ ở 7 thôn, bản quản lý, bảo vệ.
Tuy nhiên, vào mùa khô hàng năm ,trên địa bàn xã vẫn còn một số hộ dân sản xuất nương rẫy, đốt nương rẫy không đúng quy trình kỹ thuật, đốt vào buổi trưa, nắng nóng gió to, không làm đường băng cản lửa, không báo với trưởng thôn, không cử người canh gác; dùng lửa đun nấu trong rừng, đốt tổ ong, vứt tàn thuốc, đốt bãi chăn thả gia súc... Đây là những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng trên địa bàn.
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi về xã Bản Mù cùng người dân đi tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR). Như đã hẹn, hơn 9 giờ sáng anh Giàng A Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù đã có mặt tại thôn Khấu Ly cùng trưởng thôn và các thành viên đi tuần tra bảo vệ rừng theo lịch quy định.
Trên đường đi tuần tra tại khu rừng trồng phòng hộ chủ yếu là rừng pơ mu đã hơn 20 năm tuổi do Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu quản lý. Vượt lên con dốc khoảng 2 km, một số thành viên trong đoàn ít đi bộ nên thấm mệt, còn Trưởng thôn Khấu Ly Giàng A Mua, chị Mùa Thị Mỷ - thành viên tổ bảo vệ vẫn tươi cười. Dừng lại trên đỉnh dốc, Trưởng thôn Giàng A Ly lên tiếng:
- Tổ tuần tra tạm dừng ở chỗ này nghỉ ngơi để nhà báo chụp mấy kiểu ảnh làm công tác tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho thôn ta nhé!
- Trong thôn Khấu Ly có bao nhiêu hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng? - tôi hỏi.
- Thôn Khấu Ly hiện có 137 hộ, hộ nào cũng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2019, mình được bầu làm trưởng thôn, mình vận động tất cả các hộ đều tham gia bảo vệ rừng với diện tích 1.500 ha, trong đó rừng tự nhiên 1.200 ha, rừng trồng phòng hộ 300 ha - anh Mua đáp lời.
- Mỗi tháng thôn tổ chức đi tuần tra bảo vệ rừng được mấy lần?
- Do diện tích rừng rộng nên chúng tôi chia thành 15 tổ quản lý BVR của thôn. Mỗi tuần, thôn có 13 đồng chí nòng cốt tham gia đi tuần tra với các tổ, còn các gia đình luân phiên cử người đi cùng các tổ cùng tuần tra BVR, nhất là ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy như: khu rừng Tà Xi, rừng Chế Lòng Cống, Chung Dình, Pao Chua, Háng Đế...
Thông thường các tổ xuất phát đi tuần tra từ 8 giờ sáng đến 17 giờ mới về đến bản, ai cũng mang theo cơm nắm, ít muối vừng, hoặc con cá khô và bình nước 1,5 lít để ăn trưa. Với cách làm sáng tạo của Trưởng thôn Khấu Ly Giàng A Mua, vận động tất cả các hộ trong thôn đều tham gia bảo vệ rừng, 1.500 ha rừng trong thôn có hàng nghìn tai, mắt của người dân cùng bảo vệ, nhà nào tự ý đốt nương, hoặc vào rừng khai thác gỗ trái phép, đốt bãi chăn thả gia súc là người dân điện báo cho trưởng thôn và công an viên, chỉ 5 - 10 phút sau là trưởng thôn, công an viên và các thành viên trong tổ bảo vệ rừng có mặt để xử lý.
Do làm tốt công tác quản lý BVR theo phương châm "cả cộng đồng cùng tham gia”, nên từ năm 2019 đến nay trên địa bàn thôn Khấu Ly chưa để xảy ra một vụ cháy rừng nào, diện tích rừng thôn nhận khoán được bảo vệ tốt; hàng nằm mỗi hộ đều được chia tiền bảo vệ từ 3 - 6 triệu đồng/năm, hộ nào cũng vui.
Phó Chủ tịch UBND xã Giàng A Thái nói về sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân 7 thôn, bản trong xã trong công tác quản lý BVR - PCCCR trong niên vụ khô hanh năm nay: "Qua khảo sát thực tế hiện trường các công trình lâm sinh tại 7 thôn, bản, xã Bản Mù đã xác định được những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao như: khu vực thôn Mù Thấp, tiểu khu 589, diện tích 50 ha rừng tự nhiên phòng hộ và 64,8 ha rừng trồng phòng hộ, tiểu khu 585, diện tích 50 ha rừng trồng phòng hộ, tiểu khu 582, diện tích 36,7 ha rừng tự nhiên; thôn Khấu Ly, tiểu khu 585, diện tích 60 ha rừng trồng phòng hộ...
UBND xã chỉ đạo các tổ đội BVR-PCCCR của các thôn, bản thường xuyên túc trực 24/24 giờ vào những ngày nắng nóng kéo dài, gió Lào, nguy cơ cháy rừng cao; tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý dọn dẹp thực bì nhằm giảm thiểu vật liệu cháy, xây dựng lại hệ thống biển báo và các công trình lâm sinh phục vụ cho công tác PCCCR; kiên quyết ngăn chặn các trường hợp đốt nương rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc vào những ngày nắng nóng kéo dài. Khi có cháy rừng xảy ra, trưởng thôn báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã để huy động lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy kịp thời, không để lửa cháy lan sang các khu vực rừng lân cận...”.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác quản lý BVR - PCCCR, trong niên vụ khô hanh năm 2021 - 2022, trên địa bàn xã Bản Mù không để xảy ra một vụ cháy rừng nào. Trong niên vụ khô hanh năm 2022 - 2023, xã Bản Mù tiếp tục triển khai lực lượng tại chỗ tuần tra, canh gác tại những khu rừng trọng điểm, quyết tâm không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn xã.
Minh Hằng