Bước chuyển Lâm Giang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lâm Giang là xã vùng cao nằm ở phía Bắc huyện Văn Yên với diện tích tự nhiên 10.347 ha, dân số gần 7.800 khẩu-đứng thứ hai cả về dân số và diện tích sau thị trấn Mậu A. Nhưng bằng nhiều cách làm hay, hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây mía, năm 2006 Lâm Giang đã tiến một bước dài trên lĩnh vực phát triển kinh tế và trở thành một trong những xã có nền kinh tế phát triển toàn diện nhất của huyện.

Rừng kinh tế ở Lâm Giang.
Rừng kinh tế ở Lâm Giang.

Toàn xã có 18 thôn, bản với gần 1.700 hộ, trong đó có 7 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác ở các vùng núi sâu, cách xa đường giao thông và trung tâm xã hàng chục km. Xác định rõ những khó khăn của xã, ngay từ đầu năm, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền và các ngành đoàn thể đã tổ chức họp xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp uỷ phụ trách thôn phải chủ động giúp cơ sở thôn, bản, đặc biệt là các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây mía. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và vai trò đảng viên phải được phát huy toàn diện bởi với người dân Lâm Giang, cây mía vốn là loại cây chủ lực nay đã không phát huy được thế mạnh kinh tế. Mặt khác, cán bộ xã cũng xác định muốn thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vùng cao, trước hết phải bảo vệ thật tốt diện tích rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước. Theo đó, 3 tổ bảo vệ rừng do 3 đồng chí cán bộ chủ chốt của xã làm tổ trưởng thường xuyên tổ chức họp bàn với các chủ hộ nhận khoán bảo vệ. Nhờ đó gần 3.800 ha rừng  tự nhiên và hơn 700 ha rừng tái sinh, rừng trồng mới đã được 95 hộ đồng bào dân tộc ở sát cửa rừng bảo vệ có hiệu quả.

Thực hiện đề án thâm canh trên đất dốc để canh tác bền vững, xã đứng ra hỗ trợ 50% kinh phí và trực tiếp giao cho các trưởng thôn, bản, công an viên, bí thư chi bộ và toàn thể đội ngũ cán bộ xã mỗi người trồng 5kg hạt cốt khí. Kết quả đến nay đã trồng được 2000 mét cây cốt khí theo mô hình thâm canh bền vững trên đất dốc. Diện tích rừng được bảo vệ, các quả đồi đều đã được người dân phủ xanh cốt khí bảo vệ đất, chống xói mòn, lãnh đạo xã tập trung toả về các thôn, bản, cùng với trưởng bản, bí thư chi bộ xắn tay hướng dẫn bà con làm ruộng hai vụ và trồng thêm rau màu vụ ba. Tất cả 166 đảng viên ở 16 chi bộ gương mẫu là những người thực hiện trước để bà con làm theo. Thế rồi từ 5 thôn khu trung tâm đến 6 thôn vùng cao và cuối cùng là 7 thôn vùng sâu có đông đồng bào dân tộc ở Lâm Giang đã hăng hái khai hoang mở rộng diện tích, cấy giống mới và làm cây vụ ba rất có hiệu quả. Người dân tin tưởng, lãnh đạo xã phấn khởi, bắt tay vào tiếp tục chỉ đạo đồng bào 18 thôn, bản trồng thêm các loại cây công nghiệp khác như đậu tương, sắn cao sản. Đồng chí Vũ Anh Lân-Phó chủ tịch xã cho biết: Năm 2006 tổng diện tích lúa nước cả xã là 135 ha, đạt 105% kế hoạch với năng suất 106 tạ/ha, diện tích lúa nương giảm xuống chỉ còn 30 ha. Nhờ đó, diện tích rừng cũng được bảo vệ mà diện tích cây vụ ba lại tăng lên 53 ha, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực toàn xã lên gần 2.300 tấn. Chưa kể diện tích 500 ha ngô, đậu tương, 260 ha mía và hơn 400 ha sắn cao sản đã cho người dân Lâm Giang thu nhập 5,4 triệu đồng/người/năm.

Kinh tế phát triển, người dân các thôn vùng sâu trong xã cũng bắt đầu chuyển hướng làm giàu theo mô hình trang trại VACR nhiều hơn. Nhiều hộ còn thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán công nghiệp, trung bình mỗi hộ cũng có 1,4 con trâu, bò, mạnh nhất là thôn 16 của đồng bào Dao Tuyển có tới 500 con trâu, bò. Các mô hình trồng cỏ Papalum trên đất xấu để cải tạo đất và chăn nuôi gia súc được nhân rộng ở nhiều thôn bản của đồng bào dân tộc. Đến nay tổng đàn trâu bò của xã đạt gần 2.300 con, đàn dê 328 con, đàn lợn 5.600 con, đàn gia cầm 42 ngàn con. Riêng sản lượng cá thịt của toàn xã đạt 16,5 tấn. Những thôn đồng bào dân tộc có kinh tế khá với tỷ lệ hộ khá, giàu đạt từ 65-70% là thôn 16, thôn Làng Cài, thôn 2 Kim Yên, thôn 6 Bãi Khay...Cả xã có hơn 30 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ cùng với bà con các thôn góp tiền của, ngày công năm 2006 hoàn thành xong 3 tuyến đường về thôn Làng Cài dài 7km, Làng Trục dài 12 km và Làng Khay dài 14 km, nâng tổng số thôn, bản cả xã có đường xe máy vào bản lên 18/18 thôn, 3 thôn đã mở được đường ô tô vào đến tận nhà văn hoá. Ngoài ra, đồng bào trong xã còn đóng góp được trên 40 triệu đồng xây dựng 2 ngầm tràn, đảm bảo cho con, em tới trường đi học được an toàn khi mùa mưa lũ.

Với những cách làm năng động, sáng tạo và sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ đảng viên, Lâm Giang đã thành công trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần giảm được 209 hộ nghèo trong năm 2006 và nâng tỷ lệ hộ khá, giàu của xã lên trên 40%. Từ một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, có hiệu quả, năm 2006 Lâm Giang đã trở thành một trong những xã có nền kinh tế phát triển toàn diện nhất của huyện Văn Yên. Bước chuyển ấy của Lâm Giang thực sự là mô hình hay để nhiều xã vùng cao của Văn Yên cùng học tập.

Thu Quế

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục