Là một trong những hộ đầu tiên áp dụng giàn khay trượt vào trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông Nguyễn Văn Hà - thôn Lan Đình, xã Việt Thành đã cắt giảm được công lao động trong quá trình chăm sóc, nuôi tằm cũng như nâng cao được chất lượng, sản lượng kén.
"Trước đây, việc nuôi tằm trên nền nhà đòi hỏi diện tích nhà tằm lớn, trong khi đó, điều kiện thời tiết Yên Bái trong vụ xuân thường nồm ẩm, độ ẩm không khí cao nên thường bị các bệnh vi khuẩn... gây hại, ảnh hưởng số lượng tằm nuôi. Năm 2022, gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hỗ trợ giàn khay trượt nuôi tằm. Sau 1 năm áp dụng, tôi thấy giàn khay trượt rất ưu việt và hiệu quả” - ông Hà cho biết thêm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Lê, ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành sau khi tham quan học tập mô hình nhà ông Hà cũng đã quyết định áp dụng nuôi tằm phương pháp mới. Chị Lê cho biết: "Nuôi tằm trên giàn khay trượt tằm không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nồm ẩm nên tằm sinh trưởng khỏe, phát dục đều, ít bị bệnh, chín đều, kén trắng, chất lượng kén tốt hơn so với nuôi tằm trên nền nhà, năng suất kén đạt 17 kg/vòng, năng suất tăng 13,3%.
Ngoài ra, nuôi tằm trên giàn khay trượt giúp người nông dân có thể áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật trong nuôi tằm, khắc phục được tình trạng nuôi tằm gối lứa, hạn chế dịch bệnh do có thời gian cách ly giữa các lứa nuôi, thay phân tằm nhanh gọn, triệt để hơn, không bị ngấm phân tằm xuống nền nhà nên giảm công vệ sinh khử trùng nhà tằm sau mỗi lứa nuôi”.
Được biết, qua tìm hiểu kết quả áp dụng nuôi tằm trên giàn khay trượt của nông dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên đã phối hợp với Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái thiết kế, xây dựng, cải tiến giàn khay trượt tối ưu, phù hợp với điều kiện nuôi tằm tại địa bàn.
Theo bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên, sau khi khảo sát và thiết kế, dự án đã hỗ trợ 5 giàn khay trượt cho 3 hộ dân ở 3 xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành (mỗi hộ dân được hỗ trợ từ 1 đến 2 giàn, tùy thuộc theo diện tích trồng dâu hiện có và nhà tằm đã xây dựng). Giàn khay trượt nuôi tằm bằng khay sắt, cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,5 m, có 4 bánh xe di chuyển.
Trong khung có 4 khay trượt đẩy ra đẩy vào, có hàn lưới B40, ngang 1,5 mét, dài 5 mét, mỗi giàn khay có 30 m2 diện tích để nuôi tằm. Khi nuôi tằm sẽ trải 1 lớp lưới vào khay, sau đó thả tằm vào và cho lá dâu để tằm ăn.
Sau 1 năm áp dụng thực hiện, có thể thấy, việc nuôi tằm bằng khay trượt cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống: giúp hộ nuôi tằm không những giảm thiểu được ngày công lao động mà còn giải phóng được cường độ lao động, không phải bê nong lên xuống, đảm bảo độ thông thoáng, dễ dàng vệ sinh, hạn chế dịch bệnh giúp cho tằm phát triển tốt.
Ngoài ra, nuôi tằm bằng khay trượt sẽ tiết kiệm được diện tích, giúp cho hộ nuôi tằm tăng năng suất, sản lượng trong cùng 1 diện tích phòng nuôi. Thời gian tới, Trung tâm sẽ khuyến khích, nhân rộng mô hình này để nghề nuôi tằm ngày càng phát triển bền vững.
Hiện nay, ở Trấn Yên bước đầu có thêm 15 hộ dân học tập và áp dụng nhân rộng mô hình nuôi tằm trên khay trượt. Tin tưởng rằng, với tính ưu việt cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, phương pháp nuôi tằm mới này sẽ được nhân rộng và phổ biến để giúp cho ngành dâu tằm ở Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung phát triển bền vững.
Hùng Cường