Trên công trường đường nghìn tỷ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2023 | 7:43:50 AM

YênBái - Bất chấp cái nắng gay gắt tháng 6, trên công trường đường nghìn tỷ kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15), các đoàn công tác của tỉnh, huyện, chính quyền địa phương liên tục có mặt tại những “điểm nóng” để tuyên truyền, vận động người dân di dời cây cối, hoa màu cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường.

Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Lý trình Km 18, gói thầu số 16, thuộc bản Tu San, xã Nậm Có là nơi Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn triển khai thi công xây dựng công trình cầu có độ cao trên 30 mét. Ngay sau khi khởi công, Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn đã huy động hệ thống máy móc, cần trục cũng như trang thiết bị cần thiết để triển khai thi công. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều trở ngại do liên quan đến diện tích canh tác và nguồn nước cho sản xuất của người dân. 

Trước những khó khăn này, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi thị sát, kiểm tra tiến độ cũng như chỉ đạo các bên liên quan kịp thời triển khai các giải pháp nhằm "gỡ nút thắt” trong công tác GPMB. 

Ông Thào A Cu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Ngay sau chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, địa phương đã phối hợp với đơn vị thi công gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân; đồng thời, triển khai hỗ trợ, khắc phục lại nguồn nước tưới tiêu cho diện tích lúa của bà con. Đến nay, đơn vị thi công đã có mặt bằng để triển khai thi công và bắt đầu khoan đổ bê tông trụ mố cầu”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có Thào A Cu, thời gian này, cấp ủy, chính quyền địa phương liên tục có mặt trên tuyến, phối hợp với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB. Những thắc mắc, băn khoăn của các hộ dân về giá đền bù, hỗ trợ đều được giải thích rõ ràng, cặn kẽ.

Mặc dù vậy, nhiều lúc đơn vị thi công phối hợp chưa nhịp nhàng, chưa khắc phục kênh mương cho sản xuất nông nghiệp, chưa thanh toán tiền đền bù đúng hẹn nên nhiều bà con bức xúc, khiến tiến độ GPMB gặp nhiều khó khăn, chậm so với kế hoạch.


Qua ghi nhận, cùng với xã Nậm Có, những ngày này, cấp ủy, chính quyền xã Chế Cu Nha cũng thường xuyên xuống từng bản, hộ dân để vận động, tuyên truyền, GPMB cho tuyến đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 


Nhân dân xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên bóc quế để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Ông Sùng Thành Công - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết: "Quá trình triển khai công tác GPMB triển khai dự án do người dân chưa nắm được các quy định của nhà nước về quy trình, thủ tục thu hồi đất và các chính sách đền bù, hỗ trợ. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Hội đồng GPMB huyện thường xuyên tổ chức họp các hộ dân để tuyên truyền; đồng thời, phân công cho nhóm cán bộ, công chức xã phụ trách từng nhóm hộ dân để gặp gỡ riêng đối với các hộ dân chưa nắm được chủ trương của Nhà nước để giải thích, phân tích thêm sao cho các hộ dân hiểu. Đến nay, các hộ nhận đền bù, hỗ trợ đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư”.

Dự án đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng; quy mô đường cấp IV, có chiều dài 69 km, bề rộng nền đường 7,5 m, bề rộng mặt đường 5,5 m. Đây là dự án trọng điểm, có quy mô lớn của tỉnh, tập trung hoàn thành vào năm 2025 để phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh. Mặc dù vậy, sau hơn 1 năm khởi công, tiến độ của dự án đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn rất chậm, các gói thầu mới đạt trên dưới 3% khối lượng. Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. 

Qua tìm hiểu, hiện nay, diện tích đất thu hồi chủ yếu của các hộ người dân tộc thiểu số, không ở tại nơi có đất thu hồi; do vậy, việc mời các hộ dân kiểm đếm, công khai, ký, hoàn thiện phương án mất nhiều thời gian. 

Bên cạnh đó, công tác xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, các hộ dân thường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác rà soát các hộ dân có đất nằm xen kẹp trong rừng phòng hộ chưa thực hiện xong, phải bóc tách lại những diện tích đất chồng lấn với đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ và đất do UBND xã quản lý. 

Cùng với đó, dưới tán rừng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải quản lý (thuộc phạm vi GPMB của dự án), người dân trồng một số loại cây có giá trị kinh tế và  chưa đồng ý tự thu hoạch để bàn giao mặt bằng thi công. 

Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, diện tích đất rừng phòng hộ thuộc phạm vi GPMB của dự án chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Mặt bằng bàn giao ít, xen kẹp, không liên tục; địa hình hiểm trở nên mất nhiều thời gian mở đường công vụ vào các điểm thi công; các đoạn đường công vụ đi trên đường dân sinh, người dân không đồng ý hiến đất mở rộng đường hoặc đào hạ dốc đảm bảo cho xe máy, thiết bị di chuyển vào công trình; khối lượng đào nền chủ yếu phải vận chuyển dọc; bố trí bãi đổ đất thừa khó khăn; địa chất nền đường yếu, rời rạc, không ổn định... nên rất khó khăn cho việc tăng cường máy móc, thiết bị để phục vụ thi công; do đó, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thi công và ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân của dự án. 

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ Hội đồng GPMB từ ngày 7/3/2023; ngày 10/4/2023, các thành viên của tổ giúp việc đã có mặt đầy đủ và bắt đầu thực hiện công việc được giao tại huyện Mù Cang Chải. 

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cử cán bộ có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai GPMB; nghiêm túc thực hiện việc phát ngôn, thỏa thuận với người dân; đảm bảo hoạt động sản xuất, sinh kế của người dân; rà soát, kiểm tra độ an toàn và có giải pháp xử lý tại điểm sạt đầu tuyến; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý tiến độ, chất lượng; rà soát, xây dựng biểu chi tiết tiến độ thi công của từng gói thầu và tiến độ giải ngân năm 2023 của dự án. 

Ngoài ra, Hội đồng GPMB huyện phải xây dựng chi tiết tiến độ GPMB đảm bảo kết thúc vào ngày 30/9/2023 và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tiến độ; các khó khăn, vướng mắc phát sinh phải báo cáo. 

Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thời gian này, huyện huy động cả hệ thống chính trị phối hợp với các đơn vị triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc bồi thường, GPMB; đồng thời, tổ chức kiểm kê, xác định nguồn gốc đất và phương án đền bù. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng để đáp ứng tiến độ, chúng tôi đang quyết tâm và đến nay tiến độ đạt 50%; phấn đấu trong quý II/2023 sẽ hoàn thành GPMB”. 

Cùng với huyện Mù Cang Chải, những ngày này, người dân bị ảnh hưởng thuộc 2 thôn: Khe Mạng, Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để khai thác quế và di dời tường rào, nhà cửa, hoa màu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Ông Lương Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên cho biết: "Toàn xã có 154 hộ bị ảnh hưởng với gần 63 ha đất thổ cư, đất đồi và 1 triệu cây quế phải giải tỏa. Ngay sau khi được phê duyệt, địa phương đã phối hợp với các đơn vị, tổ công tác của huyện tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch quế, hoa màu để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đến thời điểm hiện tại, dù chưa nhận tiền đền bù, nhưng nhiều hộ dân đã chặt hạ cây cối, dịch chuyển tường rào và thu hoạch quế mà không hề tính toán thiệt hơn, bàn giao mặt bằng cho dự án”. 

Dự án đường nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ là mắt xích quan trọng kết nối khu vực phía Tây Yên Bái, khu vực trung tâm Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mở ra các cơ hội phát triển các tour du lịch khu vực tuyến đi qua, tạo bước đột phá để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh đang huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tháo gỡ những "nút thắt” trong công tác GPMB nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.

Hùng Cường

Tags Yên Bái giao thông đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng tiến độ thi công

Các tin khác
Bà Nguyễn Thị Hảo, thôn Thịnh Vượng, xã Quy Mông ở huyện Trấn Yên chăm sóc gà thả vườn mùa nắng nóng.

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian qua, nhiều hôm thời tiết ngoài trời lên tới 39 - 40 độ C. Nắng nóng như vậy, đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm; dịch bệnh dễ xảy ra hơn do vật nuôi mệt mỏi, căng thẳng, đặc biệt là tình trạng “sốc nhiệt”....

Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà sản xuất các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái vừa ra Quyết định số 100/QĐ-SNN thành lập Tổ thu hút đầu tư của Sở.

Từ ngày 1-6 hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết. Ảnh chụp ngày 8-6.

Trong đó, 9 hồ ở mực nước chết: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.

Sáng 8/6, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nasaki Việt Nam (có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái) đã ký kết hợp đồng nhà phân phối độc quyền sản phẩm ngói màu với Công ty TNHH Đầu tư LSG Investment Campuchia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục