Xác định công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, gần 2 năm hợp tác giữa huyện Yên Bình với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai đã cử các chuyên gia hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nông nghiệp của huyện Yên Bình đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương.
Huyện Yên Bình đã triển khai các mô hình mới, hiệu quả, tiêu biểu như mô hình trồng dưa lê, dưa hấu của gia đình bà Vũ Thị Tuyên, thôn Đồng Tâm, xã Mỹ Gia. Đây vốn là diện tích ruộng kém hiệu quả của gia đình bà Tuyên, được chuyển đổi sang trồng dưa lê, dưa hấu đã mang lại thu nhập 50 triệu đồng/vụ (gấp đôi trồng lúa).
Bà Tuyên chia sẻ: "Được tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng cây dưa hấu do các chuyên gia của ĐHTN hỗ trợ, năm 2022 tôi chuyển đổi từ cây lúa sang trồng dưa lê, dưa hấu. Áp dụng kỹ thuật về cách chọn giống, làm đất trồng, bón phân theo từng giai đoạn, cũng như kỹ thuật bấm ngọn, ghim nhánh, thụ phấn… nên ruộng dưa của gia đình phát triển tốt”.
Cùng với hỗ trợ chuyển giao KHKT trong trồng trọt, các chuyên gia ĐHTN còn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi cho cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện triển khai các mô hình chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết: "Xã đã thành lập các tổ khuyến nông cơ sở trên cơ sở hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi. Từ chọn con giống, trồng cỏ, chế biến thức ăn; vệ sinh phòng bệnh, đưa con giống mới vào nuôi, chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho người dân”.
Trong 2 năm qua, dưới sự hỗ trợ của ĐHTN, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình còn triển khai mô hình thử nghiệm giống lúa ST 25 với diện tích thực hiện 2 ha gồm 16 hộ tham gia tại xã Bạch Hà; bồi dưỡng 6 lớp tập huấn ngắn hạn tại các xã: Xuân Lai, Phúc An, Yên Thành về kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao chất lượng cây dưa hấu, chăm sóc bưởi Đại Minh; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh của cá nuôi trên hồ Thác Bà.
Từ đầu năm đến nay, qua phối hợp, hai đơn vị đã mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao chất lượng cây thanh long (tăng độ đường, nghiên cứu xử lý nấm bệnh) cho các hộ tại xã Mỹ Gia, Cảm Nhân; kỹ thuật chăm sóc, hạn chế hiện tượng khô tép trên bưởi Đại Minh; hoàn thiện đề tài khoa học thực hiện dự án tưới nước tiên tiến cho 1,4 ha bưởi tại xã Đại Minh…
Từ đó, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện có những bước phát triển mới và huyện đã hình thành một số vùng sản xuất như: vùng trồng rừng với diện tích trên 32.000 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 2.000 ha; trong đó, bưởi đặc sản Đại Minh gần 1.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.000 lồng và 240 ha mặt nước eo ngách nuôi cá trên hồ Thác Bà; xây dựng được 32 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 15 mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.
Nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác giữa hai đơn vị, trong tháng 5 vừa qua, lãnh đạo huyện và các phòng, ban của huyện Yên Bình đã có chuyến tham quan, trao đổi, thảo luận, cụ thể hóa các nội dung hợp tác với ĐHTN giai đoạn 2023 - 2027 gồm: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương; triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ bưởi và đưa các cây con giống phù hợp trồng dưới tán bưởi; đề tài đánh giá chất lượng chè Yên Bình và hỗ trợ xây dựng làng nghề chè Hán Đà; mô hình trồng nấm rơm, quy trình trồng, chế biến dược liệu; đào tạo thực hành trong lĩnh vực chăn nuôi, khoa học cây trồng theo hình thức phối hợp chuyển giao KHKT phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã…
Đáng chú ý là việc hỗ trợ kết nối thực hiện các dự án chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống.
Hoài Văn