Mực nước hồ Thác Bà tại Yên Bái xuống thấp kỷ lục trong khoảng hơn 20 năm qua, kéo dài suốt nhiều tháng gần đây (trong đó nhiều thời điểm dao động ở mức từ 45m đến dưới 46 m, thấp hơn mực nước chết 15 - 20 cm). Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành điện hay việc tưới tiêu ở khu vực hạ lưu mà còn khiến người nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ điêu đứng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở tổ 13, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái làm nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã gần 10 năm nay, nhưng chưa năm nào lại gặp khó khăn như hiện nay, do mực nước hồ xuống quá thấp. Để đảm bảo mực nước an toàn cho cá, gia đình bà Hà đã phải di chuyển 80 lồng cá từ xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình về thị trấn Yên Bình với khoảng cách hơn 10 km đường thuỷ, trong vòng 15 ngày.
Ấy vậy nhưng vẫn có 5 tấn cá các loại đang trong chu kỳ phát triển bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 650 triệu đồng. Nguyên nhân cá chết nhiều như vậy là do trong quá trình di chuyển mực nước không ổn định, kèm theo nắng nóng, ngưng đọng nhiều bùn bẩn dẫn đến lượng oxy trong nước thiếu hụt…
"Gia đình rất sốt ruột vì ngày nào cũng thế, từ cá giống đến cá thịt đều chết rất nhiều. Khi di chuyển lồng cá phải làm lại đường điện, lối đi lối lại, kiểm tra cọc bên dưới rất tốn kém”, bà Hà giãi bày.
HTX thuỷ sản Hoàng Kim là một trong những đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Bình, với 300 lồng cá các loại, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Tuy nhiên bước vào vụ cá năm nay, HTX đã gặp không ít khó khăn do mực nước hồ xuống quá thấp đã làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc cũng như bán cá ra thị trường.
Chị Vũ Thị Thu Hương, quản lý sản xuất HTX Thuỷ sản Hoàng Kim cho biết, do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay, khiến lượng nước trong hồ cạn sâu, nước đục và làm môi trường nước thay đổi đột ngột, gây ra thiếu oxy cục bộ. Hàm lượng oxy hoà tan trong nước và các chỉ số này đều vượt ngưỡng cho phép đã làm cho 2 tấn cá của HTX bị chết, ước tính thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng.
"Trước mắt HTX khắc phục bằng cách làm các guồng nước để tạo dòng chảy oxy cho cá. Mong cho trời sớm mưa, mực nước cao trên cốt 50m để giảm bớt ảnh hưởng và khó khăn, hạn chế thiệt hại”, chị Hương chia sẻ.
Theo anh Trần Văn Toản, hiện đang nuôi cá ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình, nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ là thức ăn chính cho cá. Nay nước cạn, nguồn lợi thủy sản này không thể khai thác được, gia đình nào cũng phải bỏ tiền mua thức ăn cho cá. Cùng với việc thiếu thức ăn, nước cạn dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh trên cá ngày càng tăng. "Nước cạn nên người nuôi chỉ có cách thường xuyên phải di chuyển lồng ra lòng hồ, chỗ nước sạch và sâu hơn để phòng dịch bệnh”, anh Toản cho biết.
... với hi vọng cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay, trên khu vực lòng hồ thủy điện Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình có gần 2.000 lồng nuôi cá của hàng trăm hộ dân. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi cá trong giai đoạn này, các đơn vị chức năng của huyện Yên Bình khuyến cáo các hộ nuôi cần chủ động các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán có thể còn kéo dài, đảm bảo môi trường sống cho cá lồng.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Bình cho biết, Phòng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người dân chăn nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, tại các vị trí ảnh hưởng của nước cạn phải tìm và di chuyển lồng đến những khu vực nước sâu hơn. Đối với những DN, HTX và các hộ có điều kiện, Phòng khuyến cáo cần đầu tư máy sục khí, máy bơm oxy trong những ngày oi bức.
Theo khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, trước tình thế nước cạn như hiện nay, ngoài việc thường xuyên theo dõi mực nước, tăng cường quạt nước để trao đổi oxy, người chăn nuôi cá cần phải bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi; lựa chọn những loại thức ăn phù hợp, chất lượng, tránh ăn những thức ăn bị ôi, thối, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh trưởng của cá cũng như đảm bảo môi trường.
(Theo VOV)