Một số kết quả
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình đạt 5.600 tỷ đồng, bằng 138,6% kế hoạch tỉnh giao, đạt 109,8% kế hoạch huyện, tăng 24,4% so với năm 2021.
Trong năm, huyện cũng đã có 9 dự án được nghiên cứu, khảo sát và đã xin chủ trương đầu tư 2 dự án Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2. Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục khởi công dự án Nhà máy Thủy điện Thác Bà 2; thành lập mới 45 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 90 tổ hợp tác.
Đến tháng 6 năm 2023, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện lũy kế đạt 2.970/4.800 tỷ đồng, bằng 61,9% kế hoạch tỉnh giao.
Công tác đầu tư xây dựng được quan tâm thực hiện. UBND huyện, các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tập trung công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thi công các công trình chuyển tiếp và công trình khởi công mới. Đến nay, tổng số vốn trên 386 tỷ đồng đã giải ngân tính đến hết tháng 6/2023 đạt trên 161 tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch.
Huyện đã bố trí gần 270 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng dự án Cụm công nghiệp Phú Thịnh nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện như: chế biến sâu khoáng sản đá trắng, xi măng, bột Cacbonnat Canxi, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ công nghệ cao... và các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động của địa phương gắn với bảo vệ môi trường như: may mặc, sản xuất linh kiện điện tử...
Trên địa bàn huyện hiện có 102 doanh nghiệp, 966 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp. Yên Bình phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 6.150 tỷ đồng, tăng 32,25% so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,8%.
Cùng với đó, huyện Yên Bình đã có nhiều dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn trên 16.000 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế của huyện, góp phần đa dạng hóa, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế thương mại, dịch vụ của huyện. Các thành phần kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn huyện cũng tăng cả số lượng và số vốn đăng ký lên 44 hợp tác xã và 132 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, 280 tổ hợp tác và trên 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Công nghiệp phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường tạo đột phá cho phát triển kinh tế của địa phương.
Thêm vào đó, trong giai đoạn 2020 - 2023, lĩnh vực nông nghiệp huyện Yên Bình tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Tổng kinh phí
hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 21 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ 471 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ và trên 1.400 ha rừng nguyên liệu theo hướng bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045
Những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội trong thời gian qua là nền tảng để huyện Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, huyện Yên Bình phấn đấu cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 56,7%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,7% và dịch vụ 32,6% (tính theo giá hiện hành); Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 11.800 tỷ đồng.
Các cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3 sẽ hoàn thiện hạ tầng và được lấp đầy. Huyện sẽ bổ sung thêm 3 cụm công nghiệp mới phù hợp với quy hoạch công nghiệp của tỉnh... Toàn huyện phấn đấu tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt 90-100 triệu đồng/năm; tỷ lệ đô thị hóa 26,87%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 85%, trong đó, qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 60%.
Yên Bình phấn đấu đạt huyện chuẩn nông thôn mới trong năm 2023 đến năm 2030 và trở thành huyện nông thôn mới thông minh, trong đó, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh. Tầm nhìn đến năm 2045, Yên Bình cơ bản hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu có công nghiệp phát triển hiện đại, thân thiện môi trường, có kinh tế - xã hội phát triển nằm trong nhóm phát triển hàng đầu trong tỉnh và trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu CNH, HĐH
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Với những mục tiêu cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình đã xây dựng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện ngay với 10 nhóm nhiệm vụ thường xuyên và giao nhiệm vụ cho đồng chí Thường trực Huyện ủy chịu trách nhiệm về chỉ đạo đơn vị tham mưu, đơn vị phối hợp thực hiện, lộ trình hoàn thành.
Trong đó, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chương trình hành động 158-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh CNH, HĐH...
Chủ động đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH ngành công nghiệp của huyện và đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển đúng hướng gắn với vùng nguyên liệu, với các vùng động lực của huyện. Tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với đa dạng thành phần kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư.
Trong cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (PCI), Yên Bình xây dựng lộ trình tăng chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin từ 16,85 điểm hiện nay lên đứng thứ 6/9 huyện thị, thành phố trong giai đoạn 2023 - 2030; cải thiện về tính năng động của lãnh đạo từ 7 điểm lên vị trí thứ 2/9 huyện thị; chỉ số về tính cạnh tranh bình đẳng từ 9,51 điểm hiện tại lên đứng thứ 6/9 huyện, thị, thành phố với thang điểm 9 - 11 điểm...
Từ cải cách hành chính sẽ giúp huyện tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch và các quy định của pháp luật hiện hành; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguyên liệu, điện, nước, lao động; hỗ trợ các thủ tục liên quan đến chứng nhận chất lượng, bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại; mở rộng thị trường, kê khai hải quan, thuế...
Huyện cũng tiếp tục đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thông qua phối hợp với các sở ngành nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất sạch hơn, chế biến sản phẩm hữu cơ, xanh hóa hoạt động công nghiệp; tiếp tục sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường công tác vận động tài trợ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Yên Bình, xây dựng lực lượng lao động tiên tiến, có tay nghề cao; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH...
Văn Dương