Tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn khó khăn nhất ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (năm 2020-2021), Yên Bái vẫn là một trong số ít địa phương có kinh tế duy trì ổn định, tăng trưởng khá.
Đẩy mạnh cách hành chính
Bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với sự chủ động sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuế, xây dựng, giao đất, cho thuê đất. Các TTHC được công bố công khai trên các website của UBND tỉnh và các sở, ngành giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư 35-50% so với quy định của pháp luật; ban hành quy trình giải quyết các TTHC liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại, trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị đầu tư cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là việc hỗ trợ hoàn thiện các TTHC về đầu tư và các thủ tục pháp lý sau khi được cấp chủ trương đầu tư như các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng...
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, của các cấp, các ngành đối với các nhà đầu tư; môi trường đầu tư thông thoáng cùng với các điều kiện về tài nguyên, hạ tầng giao thông thuận lợi là những ấn tượng đầu tiên của bà Lê Thu Lụa - Trưởng đại diện Văn phòng Tập đoàn Sunwah Hồng Kông tại Hà Nội khi tìm hiểu cơ hội, khảo sát đầu tư tại tỉnh Yên Bái.
Bà Lụa cho biết: "Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chúng tôi hi vọng sẽ có những cơ hội đầu tư tốt tại tỉnh Yên Bái trong một số lĩnh vực thế mạnh như bất động sản, tài chính, xuất nhập khẩu nông sản và phát triển sản phẩm nông sản. Tôi hi vọng sau chuyến khảo sát lần này sẽ có nhiều thông tin và hiểu sâu hơn về chính sách, cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp liên quan đến những lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm”.
Ấn tượng tốt đẹp ban đầu của các nhà đầu tư khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Yên Bái đã khẳng định cho quá trình nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng với những cơ chế, chính sách thu hút phù hợp đã giúp Yên Bái là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giờ đây, Yên Bái đã trở thành điểm dừng chân của một số tập đoàn lớn, có uy tín như: Tập đoàn BB Group, Tổng công ty Viglacera - CTCP, Flamingo Holding Group, Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản)... Qua nghiên cứu, khảo sát, các tập đoàn đã đầu tư vào một số lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: khai khoáng; đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch...
Để có được kết quả đó, tỉnh đã rất quan tâm, triển khai đồng bộ, toàn diện công tác xúc tiến đầu tư; tập trung đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục và tổ chức triển khai thực hiện dự án; thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại, trao đổi giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, các ngành với cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề, lĩnh vực: thuế, đất đai, xây dựng cơ bản, khoáng sản, thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất tín dụng... Từ đó kịp thời nắm bắt và chỉ đạo giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc cho biết: "Đến nay, tỉnh Yên Bái có 615 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 87.903,5 tỷ đồng và 482,9 triệu USD. Riêng trong nửa đầu nhiệm kỳ đã có 104 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.502,3 tỷ đồng. Trong năm 2022, tỉnh đã thu hút đầu tư 37 dự án với tổng vốn đăng ký 10.785,5 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021.
Tỉnh cũng đặc biệt đẩy mạnh công tác rà soát, giám sát đánh giá đầu tư, kiên quyết xử lý chấm dứt hoạt động, thu hồi chủ trương đầu tư 27 dự án. Việc làm này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư; tạo môi trường đầu tư trong sạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; tạo cơ hội và tiềm năng thu hút các nhà đầu tư có năng lực theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế, tỉnh đã áp dụng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật... Đồng thời, tỉnh đã ban hành một số chính sách cụ thể như: Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 bước đầu được đưa vào thực tiễn, đến nay có 27 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí; Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025…
Với những nỗ lực trên, chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2022 của Yên Bái xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số PAPI đạt 41,832/80 điểm, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục nằm trong nhóm "trung bình cao". Trong 2 năm liên tục tỉnh Yên Bái duy trì ở vị trí thứ 5/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Điều đó cho thấy đánh giá tốt của doanh nghiệp về những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc cho biết: "Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt cải CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.
Cùng với đó tập trung triển khai các nền tảng chuyển đổi số, ưu tiên các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin thông qua các kênh xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp, hôi nghị xúc tiến đầu tư; tiếp dục duy trì phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo" đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư”.
Thu Trang