Huyện Văn Yên: Tăng cường biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững vùng sắn
- Cập nhật: Thứ hai, 7/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cây sắn đã gắn bó từ lâu với người dân Yên Bái và nếu xét về khía cạnh kinh tế sắn đã trở thành một trong những cây trồng mang lại thu nhập khá cao cho người sản xuất từ khi Yên Bái quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sắn cao sản phục vụ cho chế biến công nghiệp được xây dựng tại huyện Văn Yên.
Vì vậy, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, từng bước thoát đói nghèo và vươn lên làm giàu. Ở thời điểm năm 2001 tại huyện Văn Yên chỉ có 20 ha mô hình sắn giống mới KM60 và KM94 thì năm 2006 đã phát triển lên gần 4000 ha tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động.
Có thể khẳng định rằng, chủ trương phát triển vùng nguyên liệu sắn công nghiệp của huyện Văn Yên là một bước đột phá trong định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, do phần lớn diện tích vùng nguyên liệu sắn là đất dốc, trong quá trình trồng và canh tác đều tác động cơ giới mạnh, nếu chỉ canh tác đơn thuần mà không có biện pháp canh tác hợp lý thì sẽ làm cho đất bị xói mòn rửa trôi đất gấp nhiều lần các loại cây trồng khác. Theo các nhà khoa học mỗi năm 1 ha sắn có thể rửa trôi đi 60 tấn đất bề mặt, làm giảm năng suất 15-20%. Mặt khác, với năng suất trung bình 20-25 tấn/ha, thì mỗi năm 1 ha sắn lấy đi của đất từ 80-100kg N, 35-50kg P2O5, 30-40 K2O, 40-80kg Ca++ đó là chưa kể đất xói mòn hàng năm đã làm cho lượng dinh dưỡng mất theo đất rất lớn, bình quân 1 tấn đất xói mòn đã mang theo từ 1,5-2 kg N, 1,5 - 2 kg P2O5, 2-3 kg K2O, 50-100kg Ca++… Vì vậy, việc chống xói mòn tầng đất mặt và bổ sung chất hữu cơ cho đất là việc làm cần thiết trong thâm canh nhằm duy trì năng suất ổn định, đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững không những cần thiết đối với cây sắn mà cho bất kỳ một cây trồng nào trên đất dốc. Nhận thấy rõ được vấn đề này, huyện Văn Yên đã nhanh chóng triển khai chương trình canh tác bền vững vùng nguyên liệu sắn theo phương thức trồng xen canh các loại cây như: Cốt khí, đậu đỗ các loại, trồng cỏ và trồng keo trên đỉnh đồi sắn…
Để thực hiện nhiệm vụ này, huyện Văn Yên đã giao Phòng kinh tế và Trạm Khuyến nông xây dựng kế hoạch. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp tham gia chỉ đạo tại địa phương, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống cho bà con nông dân. Kết quả nhiều mô hình đã thực sự đem lại hiệu quả cho người nông dân như mô hình trồng xen băng cốt khí, cỏ Paspalum vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa là nguồn cung cấp thức ăn cho trâu bò, cá… Mô hình trồng lạc xen sắn đã cho thu nhập thêm từ 30-40 kg/sào, ngoài ra còn có tác dụng phủ đất và bổ sung từ 200-250 kg thân cây lạc cho đất… Đặc biệt năm vừa qua, huyện đã chỉ đạo thực hiện chương trình trồng keo trên đỉnh đồi sắn với tổng diện tích 358 ha hiện nay cây đang sinh trưởng phát triển tốt, được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2007 huyện Văn Yên tiếp tục thực hiện chương trình trồng 600 ha keo trên đỉnh đồi sắn, đồng thời thực hiện chương trình trồng 200 ha đậu tương xen sắn. Hiện phòng kinh tế và Trạm Khuyến nông huyện đã và đang cung ứng giống đậu tương cho bà con theo hình thức hỗ trợ 1 phần về giống, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân.
Nguyễn Thị Thúy
Các tin khác
YBĐT - Tổng giá trị đầu tư cho công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Chấn từ đầu năm đến nay đạt 2 tỷ 560 triệu đồng. Trong đó nhà nước hỗ trợ 1 tỷ 245 triệu đồng chủ yếu từ nguồn vốn WB; vốn của Bộ quốc phòng và vốn sự nghiệp giao thông của huyện.
YBĐT - Phát triển du lịch là một tất yếu đối với mọi quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, du lịch đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về tinh thần và vật chất của con người; các nước càng phát triển thì nhu cầu của người dân về du lịch càng cao. Thế giới quan niệm du lịch là một ngành công nghiệp không khói và thu nhập trong du lịch chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng thu nhập quốc dân.
YBĐT - Vừa qua, huyện Văn Yên đã tổ chức Hội nghị tuyên dương doanh nghiệp (DN), doanh nhân tiêu biểu trong công tác thu nộp ngân sách năm 2006.
YBĐT - Thả rông gia súc tồn tại từ xa xưa trong cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải. Trước đây, rừng còn nhiều gia súc được thả vào rừng phó mặc cho “trời đất trông coi”. Đến mùa làm ruộng, làm nương đồng bào vào rừng tìm bắt gia súc về cày kéo, hết mùa vụ lại thả vào rừng, năm này qua năm khác.