Kiểm lâm Yên Bái - 34 năm xây dựng và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên 688.777,3 ha. Diện tích có rừng 384.499,4 ha, trong đó, rừng tự nhiên 245.570,8 ha, rừng trồng 139.411,8 ha. Tài nguyên rừng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ về kinh tế, môi trường mà còn mang tính chiến lược về quân sự. Sự tồn tại và phát triển của rừng Yên Bái gắn liền với công tác quản lý bảo vệ rừng, nòng cốt là lực lượng kiểm lâm.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Yên Bái kiểm tra việc bảo vệ rừng nguyên sinh tại xã Nà Hẩu (huyệân Văn Yên). (Ảnh: TQ)
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Yên Bái kiểm tra việc bảo vệ rừng nguyên sinh tại xã Nà Hẩu (huyệân Văn Yên). (Ảnh: TQ)

Ngày 21/5/1973, Hội đồng Nhà nước ra Nghị định số 101-CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm. Từ đó ngày 21 tháng 5 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Ba mươi tư năm trôi qua, lực lượng Kiểm lâm Yên Bái đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Khi mới thành lập công chức kiểm lâm phần lớn là bộ đội chuyển ngành, trình độ về học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Toàn ngành có 2 cán bộ đại học, 14 cán bộ trung cấp, còn lại là chưa qua đào tạo. Đến nay biên chế lực lượng kiểm lâm là 258 người (trong đó: 101 đại học, 01 cao đẳng, 154 trung cấp) 7 cao cấp lý luận chính trị, 02 cử nhân chính trị. Hàng năm Chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, cử cán bộ dự lớp tập huấn của Cục Kiểm lâm tổ chức về điều tra hình sự, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), pháp chế thanh tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo cán bộ nguồn 5 năm, 10 năm, 15 năm, tạo điều kiện để cán bộ công chức học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, coi trọng công tác giáo dục chính  trị tư tưởng gắn với việc bồi dưỡng đào tạo chuyên môn, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống và trong khi thi hành công vụ. Đây là cả một quá trình phấn đấu mang tính chiến lược về con người để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

 Trong sự nghiệp phát triển rừng, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng, người nói: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quí ”. Bác chỉ cho chúng ta thấy rừng là tài sản quý của quốc gia, nếu chúng ta biết chăm lo bảo vệ xây dựng và phát triển thì rừng sẽ đem lại lợi ích lớn cho con người, nếu chúng ta thiếu đi sự quan tâm, giữ gìn, để mất rừng thì tác hại cũng không nhỏ đối với đời sống và sản xuất. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ chiến sĩ lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã không quản rừng sâu, núi cao, không nề gian khổ, khó khăn và nguy hiểm có thể đe doạ đến tính mạng, nơi nào có rừng là nơi đó có bàn chân chiến sỹ kiểm lâm để bảo vệ mầu xanh cho Tổ quốc. Thực hiện Quyết định số 105 của Bộ NN & PTNT về nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn, Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường cán bộ về địa bàn xã công tác hiện nay đã có 198 người/ 180 xã có cán bộ kiểm lâm địa bàn xã với nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, ký cam kết với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, không để mất rừng và cháy rừng. Đồng thời, phối hợp với các ngành và cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền bằng nhiều hình thức công tác quản lý bảo vệ rừng.

Việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu thì việc chống giặc lửa rừng cũng khó khăn bấy nhiêu. Để từng bước ngăn chặn lửa rừng thì lực lượng kiểm lâm là nòng cốt trong công tác PCCCR, đã chỉ đạo các chủ rừng xây dựng đường ranh cản lửa, các quy phạm, quy trình kỹ thuật về PCCCR, nhiều vụ cháy rừng xảy ra đã được dập tắt kịp thời, đã tham mưu cho tỉnh, huyện, xã củng cố các ban chỉ huy PCCCR, xây dựng kế hoạch PCCCR, tổ chức mạng lưới thông tin cảnh báo dự báo cháy rừng từ cơ sở đến tỉnh để phản ánh kịp thời diễn biến tài nguyên rừng ở cơ sở với các cấp lãnh đạo để có cơ sở đưa ra những kế hoạch, nhiệm vụ sát thực tế; xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng gắn với phong tục tập quán của người dân. Đây là bước cụ thể hoá Luật Bảo vệ và phát triển rừng thành “lệ” của làng bản được thực thi trong cuộc sống.

Công tác quản lý lâm sản luôn được Chi cục quan tâm với việc tổ chức sắp xếp bỏ các trạm kiểm tra, kiểm soát lâm sản cố định, chuyển số cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản tăng cường cho Kiểm lâm địa bàn để bảo vệ rừng tại gốc; củng cố đội kiểm lâm cơ động PCCCR, các hạt kiểm lâm có tổ kiểm lâm cơ động. Đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh vận chuyện, chế biến lâm sản trái phép.

Trong cuộc chiến giữ rừng nóng bỏng và gay gắt hơn cả là việc phải đối mặt với các đối tượng khai thác, tàng trữ, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép. Có không ít có sự chống trả của bọn lâm tặc dùng hung khí uy hiếp đến tính mạng gây thương tích cho các chiến sĩ kiểm lâm khi thi hành nhiệm vụ. Đe dọa bằng vũ lực không được, bọn lâm tặc xoay ra dụ dỗ mua chuộc hòng làm lung lay ý chí của cán bộ kiểm lâm. Đã xảy ra một vài trường hợp nhân viên kiểm lâm nhụt ý chí tiếp tay cho kẻ phá rừng. Nhưng tuyệt đại đa số cán bộ chiến sĩ kiểm lâm vẫn vững vàng trên trận tuyến giữ rừng. Trong suốt 34 năm hình thành và phát triển; đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã phát hiện 79.228 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tịch thu 38.089 m3 gỗ quy tròn; Tịch thu nhiều phương tiện ô tô, xe máy, 3.250 tấn động vật hoang dã; thu nộp ngân sách 69.837 triệu đồng. Nhờ vậy, độ che phủ của rừng từ năm 1999 là 37,6% đến năm 2006 đã tăng lên 48 %. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc mỗi năm được trang bị tốt hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay.

 Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ lực lượng kiểm lâm Yên Bái đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên chúng ta cũng mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để thấy hết những yếu kém, tồn tại trong quá trình tổ chức và xây dựng lực lượng, nội dung và phương pháp hoạt động, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trước thực tế là tài nguyên rừng của tỉnh ngày càng suy giảm tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán vận chuyện lâm sản trái phép vẫn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng....

Với truyền thống 34 năm xây dựng và trưởng thành, trước tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm Yên Bái phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động, lực lượng kiểm lâm tỉnh Yên Bái  nguyện đoàn kết chặt chẽ, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao năng lực công tác, tự đổi mới mình và phấn đấu vươn lên quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó. Mãi mãi xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng.

Nguyễn Quang Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái.

Các tin khác

YBĐT - Ngày 15/5, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã tổ chức buộc gặp mặt nhân dịp Tổng công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ 1996 - 2005. Đến dự có đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Bưu chính Viễn thông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh... và toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên Chi nhánh Tổng công ty tại Yên Bái.

Hộ chị Nguyễn Thị Nhâm, xã Tân Thịnh - một trong những hộ đầu tiên của TP Yên Bái tham gia dự án nuôi bò theo phương pháp bán CN.

YBĐT - Năm 2004, thành phố Yên Bái triển khai thí điểm Dự án nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp tại hai xã Tân Thịnh và Minh Bảo.

YBĐT - Cánh đồng Tà Ghênh ở xã Xà Hồ, rộng trên 50 ha rất phì nhiêu. Cách đây vài ba năm, lực lượng quân đội, các tổ chức đoàn thể, ngành nông nghiệp huyện đã cử biết bao nhiêu lượt cán bộ lên đây cùng làm và hướng dẫn người dân gieo cấy vụ lúa đông xuân, cái vụ lúa mà theo người Mông là không thể gieo cấy được!

Tạo hình sứ chuỗi xuất khẩu ở Cng ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

YBĐT - Trong tháng 4 năm 2007, thành phố Yên Bái tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, thành phần kinh tế tham gia các khu, cụm sản xuất CN-TTCN tại cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng. Thành phố cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho một số cơ sở lập dự án vay vốn 120 giải quyết việc làm. Các ngành chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất đồ gỗ dân dụng, các sản phẩm kim loại có mức tăng trưởng khá tại cụm công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục