Bất ổn thị trường gas

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, gas hoá lỏng đã trở thành chất đốt thông thường và quen thuộc với các bếp ăn nhiều gia đình. Kéo theo đó là sự phát triển của hệ thống cửa hàng kinh doanh và các cơ sở chiết nạp gas. Tuy nhiên, đã xuất hiện và gia tăng những bất ổn từ những cửa hàng kinh doanh này…

Gas được bày bán cùng các mặt hàng khác.
Gas được bày bán cùng các mặt hàng khác.

Thực trạng và những "chiêu" làm ăn

Theo số liệu của Sở Thương mại - Du lịch Yên Bái: hiện tại trên địa bàn tỉnh có một cơ sở chiết nạp gas và 36 cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, là đại lý của các hãng gas như: Petrolimex, BP, Petro VietNam, Elf gas, Shell gas, Total gas, Thăng Long gas, Đài Hải... Nhưng trên thực tế, còn nhiều cửa hàng kinh doanh gas khi không có giấy phép.

Sự phân bố mạng lưới của hãng kinh doanh gas hiện nay chưa hợp lý, xen lẫn vào khu dân cư, khu công cộng tập trung đông người. Ngay trong một đoạn phố đông dân cư tại phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái, tập trung 2 cửa hàng kinh doanh gas, một cửa hàng kinh doanh xăng dầu và một trường học nằm kề nhau, nếu xảy ra sự cố cháy nổ sẽ gây phản ứng dây chuyền thì hậu quả không thể lường được.

Hình thức gian lận phổ biến trong kinh doanh gas là cân thiếu gas, bình gas chứa 12 kg thì nhiều người chiết nạp, kinh doanh chỉ nạp 11 đến 11,5 kg. Tuy nhiên, việc cân thiếu gas, nếu gặp người tiêu dùng kỹ tính, rất dễ bị phát hiện, vì thế, các cơ sở kinh doanh gas không lành mạnh đã áp dụng hình thức gian lận tinh vi hơn. Họ nghĩ ra chiêu thức ghi sai khối lượng trên vỏ bình gas, cụ thể: mỗi bình gas có khối lượng vỏ là 14 kg và được ghi trên thân bình, nếu nạp đủ 12 kg gas, thì tổng khối lượng vỏ bình lẫn gas là 26 kg.

Những đơn vị làm ăn gian dối cố tình ghi sai khối lượng của vỏ bình, họ chỉ ghi trên khối lượng vỏ bình là 13 kg, và nạp gas vào bình chỉ với 11 kg, nhưng vẫn bán với giá bình 12 kg. Với thủ đoạn này, người tiêu dùng có cân cũng không phát hiện được, vì rõ ràng cả vỏ bình và gas chỉ là 25 kg thay vì phải 26 kg, chiêu thức này chỉ phát hiện, nếu người tiêu dùng sử dụng hết gas rồi cân lại vỏ bình.

Gần đây trên thị trường tiếp tục xuất hiện "chiêu" mới, một số cửa hàng tung ra thị trường loại bình gas 11 kg, nhưng trên vỏ bình lại không ghi trọng lượng cụ thể. Với những chiêu thức trên, có thể thu lợi hàng chục nghìn đồng và cũng đủ để các cơ sở kinh doanh gas gian dối giảm giá bán để cạnh tranh với các cửa hàng gas khác.

Ngoài những thủ đoạn rút ruột bình gas, tình trạng sang chiết gas lậu với phương pháp thủ công, thiếu độ an toàn diễn ra ngày càng nhiều. Phương thức kinh doanh của họ là sang chiết gas vào bình gas của các hãng có thương hiệu, không có niêm phong hoặc giả niêm phong của hãng đó, mua bình gas trôi nổi rồi nhái màu của vỏ bình gas trà trộn với bình gas chính hiệu để bán, nên những vỏ bình này cũng không được tái kiểm định định kỳ (theo quy định về an toàn kỹ thuật của Việt Nam, với bình gas dân dụng phải áp dụng chế độ tái kiểm định 5 năm/lần).

Trong quá trình lắp đặt bếp gas cho khách hàng, nhiều cửa hàng vì mục đích kiếm lời đã tráo đổi và bán các phụ kiện van điều áp, dây dẫn, kẹp chì vòi kém chất lượng, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Một nguy hiểm nữa đó là bình gas mini cho bếp gas du lịch được sử dụng tràn lan trong các nhà hàng, khu du lịch và các gia đình, loại bình này hầu như được chiết nạp trái phép và được sử dụng quay vòng nhiều lần không phù hợp với sức chịu đựng của bình. Người tiêu dùng chỉ cần mang bình hết gas đến đổi tại bất kỳ một cửa hàng kinh doanh gas nào và thêm 5.000 đồng được một bình gas nạp đầy không có niêm phong. Đây thực sự là những "quả bom nổ chậm" mà người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả.

Ngoài ra, phải kể đến việc trốn thuế, vì giá bán gas hiện nay đã bao gồm thuế VAT mà người tiêu dùng đã nộp, khi sang chiết gas trái phép, không có chứng từ hoá đơn thì số thuế này đã bị chiếm dụng. Tại địa bàn thành phố Yên Bái, nhiều cửa hàng trưng bầy rất nhiều loại gas của các hãng khác nhau. Chủ cửa hàng đại lý cấp I của hãng Shell gas cho biết: "Yên Bái chỉ có duy nhất 1 đại lý của hãng, chỉ được phép cung cấp sản phẩm gas mang nhãn hiệu Shell gas và được phép mở đại lý cấp II trong địa bàn tỉnh, các đại lý tại các tỉnh khác không được phép mở đại lý tại tỉnh Yên Bái".

Vào vai một khách hàng, tôi đã gọi điện đến một cửa hàng tại thành phố Yên Bái (không phải là đại lý của hãng Shell gas) hỏi mua một bình Shell gas, một người giọng đàn ông đã trả lời sẵn sàng cung cấp bình Shell gas. Tiếp xúc với một nhân viên tiếp thị của một cửa hành kinh doanh gas, nhân viên này đã phát cho tôi một tờ rơi trên đó in quảng cáo bán các loại sản phẩm phụ kiện bếp gas và in hình các loại bình gas của các hãng có thương hiệu. Nhân viên tiếp thị đã nói chắc như đinh đóng cột "cửa hàng của chúng tôi sẵn sàng cung cấp các loại gas với giá giảm trên dưới 10.000 đồng so với các cửa hàng khác"…

Điều đáng lo nữa đó là đội ngũ nhân viên chuyên đi giao bình gas thường chất đằng sau từ một đến hai bình gas, đi xe máy quá tốc độ, thậm chí "đánh võng", lạng lách coi thường các quy định về an toàn giao thông. Gần đây, tại thành phố Yên Bái nhân viên một cửa hàng gas khi đi giao hàng, chạy quá tốc độ cho phép và vượt ẩu, đã đâm vào một chiếc ôtô, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản.

Thử tìm nguyên nhân

 

An toàn trong sử dụng ga chưa được nhiều người sử dụng quan tâm.

Nguyên nhân của tình trạng trên do các văn bản quy định của Nhà nước trong kinh doanh gas vẫn chưa đầy đủ. Hiện nay mới chỉ có Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại quy định về các điều kiện kinh doanh gas, nhưng mới chỉ điều chỉnh đối tượng là cửa hàng bán và kho chứa bình gas, còn các đối tượng khác có liên quan như: trạm chiết nạp gas, kho bể chứa gas... vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể.

Cũng tại Thông tư  15/1999/TT-BTM quy định thời hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bằng thời hạn trong giấy phép đăng ký kinh doanh của thương nhân, trong khi đó, để cấp được giấy chứng nhận này hồ sơ buộc cửa hàng phải có giấy chứng nhận an toàn phòng cháy, giấy này được các cơ quan quản lý về phòng chống cháy nổ cấp từ 6 tháng đến 1 năm một lần, dẫn đến tình trạng, một số cửa hàng kinh doanh gas khi thẩm định lại về an toàn phòng cháy không đủ điều kiện để cấp giấy, nhưng cửa hàng vẫn có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra còn mỏng, chưa có sự phối hợp đồng bộ và thường xuyên giữa các ban, ngành, huyện, thị, thành phố, đặc biệt là công tác phòng chống cháy nổ.

Về phía người tiêu dùng, một số người do quá dễ dãi trong việc lựa chọn các cửa hàng cung cấp gas và ham rẻ, nên dễ mua phải các vật dụng như bếp gas, van bình gas giả, các loại gas trôi nổi không rõ nhãn hiệu trên thị trường. Khi mua gas, chẳng mấy người lấy hóa đơn, phiếu bảo hành, bảo hiểm, vô tình đã tiếp tay cho các cửa hàng kinh doanh gas giả. Sự thiếu hiểu biết về kiến thức và các kỹ năng cần thiết khi sử dụng gas, sự bất cẩn của người sử dụng, thiếu quan tâm đến việc bảo trì, thay thế theo định kỳ những dụng cụ sử dụng gas như dây dẫn gas…, không khóa van an toàn sau khi sử dụng bình gas…đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy nổ bình gas.

Giải pháp

Cần thiết phải tổ chức rà soát lại các văn bản hiện có, phát hiện những bất cập của cơ chế chính sách, kịp thời ban hành mới, sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu và còn chồng chéo cho phù hợp với thực tế và hệ thống văn bản pháp luật, trên cơ sở đề cao các điều kiện kinh doanh và yêu cầu an toàn đối với việc kinh doanh gas hơn nữa. Quy định các chế tài xử lý nghiêm khắc đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khí đốt hoá lỏng. Đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên giữa các cơ quan liên quan trong việc quản lý, theo dõi, kiểm tra kiểm soát thị trường kinh doanh gas….

Với người tiêu dùng: phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi lựa chọn mua bếp gas, dây dẫn gas, van, đảm bảo an toàn về chất lượng thiết bị và an toàn trong lắp đặt. Khi mua hoặc đổi bình gas, phải chọn được nhà cung ứng tin cậy là đại lý chính thức của các hãng gas lớn, để được cung ứng gas đúng với chất lượng và đúng khối lượng mà nhà sản xuất công bố...

Đối với các hãng gas, cần phải chủ động xây dựng và quản lý tốt hệ thống các đại lý phân phối của mình, chấm dứt tình trạng buông lỏng đại lý như hiện nay. Quy định mỗi cửa hàng chỉ làm đại lý cho một hãng gas để quản lý, chăm sóc khách hàng cũng như việc thực hiện các cam kết được triệt để.

Nguyễn Văn

Các tin khác
Cánh đồng lúa xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Lúa xuân của thành phố Yên Bái đã bắt đầu chín rộ. Nhà nông đang tranh thủ những ngày nắng ráo để gặt lúa; đồng thời, tích cực kiểm tra sâu bệnh ở những trà cấy muộn vì nguy cơ của rầy nâu hoặc nấm cổ bông vẫn có thể gây hại.

YBĐT - Theo dự báo, thời tiết năm nay khắc nghiệt, thay đổi thất thường thuận lợi cho các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm phát triển như: tụ huyết trùng, bệnh dại, cúm và một số bệnh khác. Đặc biệt ở tỉnh Yên Bái, dịch lở mồm long móng (LMLM) vừa xảy ra ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và bệnh tụ huyết trùng trâu bò ở huyện Văn Yên rất dễ tái phát.

(Ảnh minh hoạ)

YBĐT - Để đảm bảo có đủ cây giống hoàn thành kế hoạch trồng 700 ha rừng phòng hộ tập trung, đến nay, UBND huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo Lâm trường Trạm Tấu gieo ươm, chăm sóc tốt 1,5 triệu cây giống: thông mã vĩ, vối thuốc, sơn tra đưa vào trồng.

Chăn nuôi trâu bò ở vùng đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Yên Bái đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng xoá đói, giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục