Những định hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Trấn Yên đã có sự chuyển dịch bước đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả và sản xuất tự cấp tự túc là chính sang sản xuất hàng hoá bằng một số vùng sản xuất tập trung như: vùng tre măng Bát độ, vùng lúa chất lượng cao, vùng chè, vùng dâu tằm vv...
Nghề làm miến ở xã Giới Phiên (Trấn Yên). (Ảnh: Ngọc Đồng)
|
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, hiệu quả kinh tế và quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ bé, do đất đai canh tác không nhiều, lại không được quy hoạch từ trước và thiếu kiến thức sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm nếu có bán thì số lượng ít, chất lượng thấp và dẫn đến thu nhập không cao, thiếu tính bền vững. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo kiểu chuyên một loại sản phẩm hoặc đa sản phẩm trong một quy trình: trồng - chăm sóc - chế biến - tiêu thụ để có thu nhập cao thì không có nhiều. Hộ nông dân thiếu vốn để đầu tư sản xuất, trình độ canh tác tuy đã được tiếp cận, được hướng dẫn nhưng người nông dân nhìn chung vẫn nặng về cách làm cũ, ít chịu tìm tòi học hỏi và vận dụng kỹ thuật, vận dụng giống cây trồng, thụ động ngồi chờ thị trường. Thị trường ở đâu, làm ra có bán được không luôn là những câu hỏi thường trực đối với người nông dân. Ngồi chờ thị trường đến với mình chứ không chủ động khai thác và tạo ra thị trường để tiêu thụ sản phẩm đã ăn sâu vào cách làm và suy nghĩ của người nông dân huyện Trấn Yên từ trước đến nay.
Về lực lượng lao động, do sức hút từ các thành phố, từ các khu công nghiệp và do xuất khẩu lao động nên có thể nói một bộ phận lao động trẻ có sức khoẻ đã chuyển từ nông thôn Trấn Yên đi lao động ở những nơi khác, làm cho lực lượng lao động ở nông thôn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Người ở lại chủ yếu là người già, phụ nữ và chính họ lại hạn chế rất nhiều về việc tiếp thu cái mới, hạn chế về ý chí vươn lên làm giàu, có tư tưởng được chăng hay chớ, bằng lòng với những gì đã có…
Về tình hình nông thôn: Các chương trình 135, 134, các kế hoạch đầu tư đường, điện, trường, trạm, nhà văn hoá... đã tạo ra được diện mạo mới cho nông thôn ở các xã. Nhìn chung mỗi xã đã bước đầu hình thành được khu trung tâm xã, có nơi đã từng bước hình thành việc buôn bán thương mại dịch vụ như xã Báo Đáp, Hưng Khánh, Vân Hội, Hợp Minh vv... Nhưng ngược lại các xã vùng ngoài không được đầu tư từ các chương trình của Chính phủ thì tình hình nông thôn nhất là cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Tại trung tâm xã chưa hình thành được trung tâm trao đổi hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và là thị trường tại chỗ.
Do địa hình miền núi, do tập quán và quy hoạch dân cư khó có thể thay thế phá dỡ nên các thôn, bản đều xa trung tâm xã, đi lại khó khăn và đường đi thì có thể nói gần 100% đường liên thôn hiện nay vẫn là đường đất. Chính vì vậy, đã tạo ra sự khép kín trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp và nông thôn ở huyện Trấn Yên. Bán ở đâu, bán cho ai là những câu hỏi được đặt ra cho người sản xuất ở những vùng này.
Với những thực trạng nêu trên đặt ra những yêu cầu để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế của huyện Trấn Yên cần phải hình thành và phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (cả về diện tích, cây trồng) để tạo ra một lượng sản phẩm lớn phục vụ cho sản xuất và mới có điều kiện để tập trung chỉ đạo, đầu tư giống, kỹ thuật, thủy lợi vv...
Hiện nay ở Trấn Yên đang bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như vùng tre măng Bát độ 920ha, vùng lúa chất lượng cao 1200ha, vùng dâu tằm 80-100ha, vùng chè chất lượng cao 500ha... Cần phải phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ, kinh tế trang trại có quy mô lớn về diện tích, tập trung chuyên canh một loại cây trồng, làm ra sản phẩm với số lượng lớn, mang tính hàng hóa cao.
Cần phải phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp có trang thiết bị tương đối hiện đại. Doanh nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, là đối tác của hộ nông dân thông qua các hợp đồng kinh tế với hộ nông dân trong vùng sản xuất tập trung để bao tiêu - chế biến - tiêu thụ sản phẩm tập trung với số lượng lớn và bền vững về thị trường.
Tập trung phát triển mạnh mẽ các trung tâm xã, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường, điện, trường, trạm, nhà văn hoá. Khuyến khích phát triển hàng quán, các loại dịch vụ phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân trong xã. Hình thành các chợ, xây dựng và bê tông hoá các tuyến đường từ trung tâm xã đi các thôn.
Trung tâm xã phải được phát triển hoàn thiện hơn, nhanh hơn. Ở đó có các loại hình dịch vụ cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của người dân để họ không phải đi nơi khác mua bán. Chuyển dần một bộ phận dân cư trong xã sang kinh doanh các loại hình dịch vụ để họ ly nông nhưng không ly hương.
Phát triển các loại hình hợp tác xã dịch vụ như hợp tác xã điện, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã cung ứng và bao tiêu các sản phẩm trong nông nghiệp cho nông dân. Chú trọng phát triển một số sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, có chất lượng được thị trường chấp nhận và tiêu thụ với số lượng lớn, làm chỗ dựa vững chắc cho sản xuất hàng hoá của người nông dân.
Đồng thời, cần phải tiến hành quy hoạch về cơ sở hạ tầng, quy hoạch về phát triển kinh tế cho từng xã, từng vùng và tổng thể toàn huyện. Đẩy mạnh việc áp dụng KHKT, đầu tư các loại giống, các phương thức sản xuất tiên tiến cho hộ nông dân, duy trì và nâng cao năng lực của công tác khuyến nông. Tạo nhiều nguồn vốn vay cho các hộ nông dân, cần tính toán hợp lý để nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất nhưng cũng phải đảm bảo thời gian cho vay để các hộ nông dân có thể quay vòng, đảm bảo chu kỳ sản xuất và thu hồi vốn.
Tiến hành dồn điền đổi thửa thông qua hình thức mua lại, thuê lại, dồn đổi vị trí cho nhau để mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác tăng lên và tập trung thành vùng. Đào tạo và thu hút cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã là những người đảm bảo cho việc tổ chức các kế hoạch, các chương trình kinh tế tại địa phương. Cán bộ xã phải được đạo tạo cơ bản, đảm bảo có trình độ, có kiến thức về kinh tế, kiến thức về thị trường, có khả năng lãnh đạo và tổ chức thực hiện, phải là những cán bộ vừa giữ vai trò hoạch định kế hoạch đồng thời cũng là người tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn một cách đúng đắn, có hiệu quả sẽ đẩy nhanh công cuộc xoá đói, giảm nghèo và giúp người mông dân vươn lên làm giầu.
N.T.D
Các tin khác
YBĐT - Y Can là xã vùng 2 của huyện Trấn Yên nhưng có tới 4 thôn bản đặc biệt khó khăn. Bà con nông dân ở đây đang vào vụ trồng rừng và tập trung chăm sóc lúa chiêm xuân. Bận rộn như vậy nhưng khi Đảng bộ triển khai cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì trên một trăm đảng viên ở 12 chi bộ thôn bản đều có mặt đông đủ. Nhiều đảng viên ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, được miễn sinh hoạt cũng nhờ con cháu đưa đến.
YBĐT - Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX trong những năm qua đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Hoạt động của các HTX đã không còn bó hẹp trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp mà đã phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề, kinh doanh nhiều lĩnh vực như quỹ tín dụng, khai thác, kinh doanh vận tải, chế biến, dịch vụ quản lý điện, thương mại...
YBĐT - Để giữ vững và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, vừa qua, Trung tâm Thủy sản Yên Bái tiến hành thả cá đợt I năm 2007 xuống hồ Thác Bà trước sự chứng kiến và giám sát của đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Phòng Kinh tế huyện Yên Bình, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.