Văn Chấn từng bước kiên cố đường giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2024 | 3:31:10 PM

YênBái - Huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện kiên cố hóa 300 km, mở mới 20 km đường giao thông nông thôn (GTNT), góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn.

Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các ban, Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và xã Cát Thịnh tham gia đổ bê tông tuyến đường thôn Khe Dịa, xã Cát Thịnh.
Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các ban, Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và xã Cát Thịnh tham gia đổ bê tông tuyến đường thôn Khe Dịa, xã Cát Thịnh.

Ngay từ sáng sớm, rất đông bà con thôn Khe Dịa, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã có mặt tham gia đổ bê tông tuyến đường Khe Ba. Tuyến đường có chiều dài hơn 1,2 km, rộng 3,5 m được bê tông hóa 700 m vào cuối năm 2023; 500 m còn lại đã được đổ bê tông trong những ngày đầu tháng 4 này. Tham gia lao động, đổ bê tông tuyến đường này cùng bà con còn có đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban và Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và xã Cát Thịnh. 

Trán nhễ nhại mồ hôi, Trưởng thôn Khe Dịa Hoàng Minh Chấn phấn khởi cho biết: Trước đây, tuyến đường này là đường đất, đi lạ khó khăn, nhất là về mùa mưa. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân trong thôn đã đóng góp để bê tông hóa toàn bộ tuyến đường này. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế cho người dân trong thôn, trong xã, giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về giao thông, đưa thôn Khe Dịa trở thành thôn nông thôn mới trong năm nay.  

Ông Hoàng Minh Dũng - người dân thôn Khe Dịa cho biết: "Trước kia, chúng tôi xây dựng nhà ở, chuồng trại vận chuyển vật liệu đi lại rất khó khăn. Do vậy, nhân dân đều đồng thuận đóng góp để mở rộng, kiên cố hóa tuyến đường để đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường”.

Năm 2023, trên cơ sở kế hoạch đầu tư của huyện, xã Cát Thịnh đã xây dựng Kế hoạch làm đường GTNT với tổng số gần 19 km. Trong đó, công trình giao thông theo Đề án là 7,78 km ở các thôn Văn Hưng, Đá Gân, Văn Hòa, Ba Khe, Khe Dịa, Ngã Ba, Khe Đắc. Công trình giao thông theo Chương trình 135 là 11,2 km ở các thôn: Làng Ca, Ba Chum, Pín Pé. Trong năm 2023, xã đã triển khai xây dựng 13,5 km đường, trong đó, đường bê tông theo Đề án GTNT là 12,7 km, mở mới đường theo Chương trình 135 tại thôn Pín Pé 0,8 km. 

Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Năm 2024, xã Cát Thịnh có kế hoạch bê tông hóa và mở rộng gần 11 km đường GTNT. Để thực hiện được mục tiêu này, xã đã chỉ đạo các thôn bản làm tốt công tác giải phóng mặt bằng làm đường GTNT; huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân bằng tiền, vật liệu và ngày công lao động… để các tuyến đường sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phấn đấu đưa Cát Thịnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm nay”.

Trong những năm qua, phong trào kiên cố hóa, mở rộng mặt đường bê tông đã diễn ra sôi nổi khắp các địa phương trên địa bàn huyện Văn Chấn. Năm 2023, các địa phương trong huyện đã kiên cố hóa và mở rộng trên 100 km, trong đó đường bê tông hóa theo Đề án GTNT đạt gần 74 km, đường bê tông xi măng lồng ghép các nguồn vốn đạt 27 km. Huyện cũng đã triển khai thực hiện được 58 công trình thoát nước và 4 cầu bê tông cốt thép. 

Bà Hoàng Thị Lý - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: "Nguồn vốn huy động trong nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: bằng ngày công lao động, tiền mặt, hiến đất, cây cối, hoa màu… với phương châm GTNT là công trình của dân, do dân làm, dân tự kiểm tra và mọi công việc đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch, dân chủ. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng công trình được cơ sở rất quan tâm. Do đó, khi thi công công trình, ngoài việc giám sát của cơ quan chuyên môn còn có sự tham gia giám sát rất chặt chẽ của các đoàn thể ở cơ sở từ việc quản lý vật tư đến việc thanh toán, quyết toán công trình. Sau khi nghiệm thu, công trình đều được bàn giao cho các khu dân cư, thôn bản quản lý, khai thác sử dụng”.

Từ sự vào cuộc của chính quyền các cấp và đồng thuận của nhân dân, mạng lưới GTNT huyện Văn Chấn không ngừng được mở rộng, nâng cấp, góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Năm 2024, huyện Văn Chấn có kế hoạch triển khai bê tông hóa và mở rộng 35 km đường GTNT.  

Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Với mục tiêu cứng hóa đường GTNT trên địa bàn huyện, đảm bảo các thôn, bản trong huyện có đường giao thông đi lại 4 mùa, huyện đã huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu bê tông hóa và mở rộng các tuyến đường GTNT. Các tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông trên địa bàn, giúp cho nhân dân thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế cũng như thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại huyện. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên ngân sách cho phát triển GTNT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp nhiều hơn nữa về sức người, sức của... phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện kiên cố hóa 300 km, mở mới 20 km đường GTNT.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái Văn Chấn giao thông nông thôn Cát Thịnh Khe Dịa Làng Ca

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục