Kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4), Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái (14/4/1994-14/4/2024), Hưởng ứng Tháng hành động vì hợp tác xã năm 2024

Kinh tế tập thể, hợp tác xã Yên Bái chủ động, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2024 | 10:23:05 AM

YênBái - Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) hoạt động tương đối ổn định, số lượng và chất lượng HTX ngày một tăng. Các HTX tiếp tục tập trung đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt chú trọng công tác liên doanh, liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, quan tâm xúc tiến thương mại, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.

Đoàn công tác của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái thăm, làm việc với HTX Lũng Lô, huyện Văn Chấn.
Đoàn công tác của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái thăm, làm việc với HTX Lũng Lô, huyện Văn Chấn.

Nhân Tháng hành động vì HTX năm 2024, Ngày HTX Việt Nam (11/4), Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên minh HTX tỉnh Yên Bái (14/4/1994-14/4/2024), Phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái. 

- Đảng và Nhà nước xác định phát triển KTTT là xu thế tất yếu, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài. Vậy, ở Yên Bái chủ trương này được cụ thể hóa ra sao thưa ông?

Ông Đỗ Nhân Đạo: Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”, khu vực KTTT, HTX của nước ta nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định, phát triển KTTT, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài. Đây là nhu cầu, cơ hội, nhưng cũng là thách thức trên con đường phát triển của KTTT, HTX.

Để hỗ trợ, thúc đẩy khu vực KTTT phát triển, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 như: Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách phát triển KTTT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025… Dưới sự quan tâm lãnh đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho khu vực KTTT, HTX của tỉnh.



- Những năm qua, KTTT, HTX tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng; đã có nhiều mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy HTX phát triển nhanh và bền vững. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những bước tiến của KTTT trên địa bàn tỉnh?

Ông Đỗ Nhân Đạo: Thời gian qua, khu vực KTTT tỉnh, nòng cốt là các HTX hoạt động tương đối ổn định, số lượng và chất lượng HTX ngày một tăng. Các HTX tiếp tục tập trung đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt chú trọng công tác liên doanh, liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, quan tâm xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.
 
Đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 738 HTX, 5.310 tổ hợp tác (THT) hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực. Các HTX và THT đã thu hút khoảng 60.000 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và phát triển rộng khắp trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố. Tổng vốn Điều lệ của các HTX đạt gần 1.800 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 450 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 56,43 tỷ đồng, tăng 85,86% so với năm 2022. 

Hoạt động của khu vực KTTT tỉnh góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 

- Ông có bình luận gì với khẳng định mô hình KTTT, HTX phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân Yên Bái?

Ông Đỗ Nhân Đạo: Có thể khẳng định mô hình KTTT, HTX tỉnh hiện đã và đang phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân Yên Bái. KTTT tồn tại dưới nhiều hình thức như THT, HTX... Trong đó, HTX được coi là loại hình nòng cốt của KTTT. Đây là một loại hình KTTT khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Nó mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, KTTT còn coi trọng lợi ích xã hội, lợi ích của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. 

KTTT, HTX tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển, đến nay đã hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh như: quế, măng tre Bát độ, chè, sơn tra, dược liệu, đánh bắt và chế biến thuỷ sản hồ Thác Bà, khai thác và chế biến gỗ rừng trồng…

Nhiều HTX sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị và được xuất khẩu ra nước ngoài, làm cho chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh Yên Bái ngày càng nâng cao, tiêu biểu như: Sản phẩm chè (HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Suối Giàng huyện Văn Chấn); măng tre Bát Độ (HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, HTX dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, huyện Trấn Yên và Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình); sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế (HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Công Tâm, HTX Quế Văn Yên, huyện Văn Yên, HTX quế hồi Việt Nam)…

Nhiều HTX phát triển sản xuất với quy mô và diện tích tập trung, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.


Toàn tỉnh hiện có 738 HTX, 5.310 THT hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực; tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Ông có thể cho biết, với Yên Bái, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự phát triển của kinh tế tập thể, các hợp tác xã ở Yên Bái hiện còn có những trở ngại gì?

Ông Đỗ Nhân Đạo: Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của KTTT, các HTX ở Yên Bái hiện vẫn còn những trở ngại, bất cập. Đó là:
Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính của các HTX còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được nhiều vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Vẫn còn tồn tại HTX có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị. Số lượng HTX tuy tăng nhưng sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững… Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với các loại hình kinh tế khác còn yếu.

Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, hội quần chúng trong phát triển KTTT, HTX còn thiếu chặt chẽ, chưa thực sự hiệu quả.

- Vậy, theo ông KTTT, HTX ở Yên Bái cần thêm những điều kiện, yếu tố nào để phát huy vai trò của mình, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hòa nhập hiện nay?

Ông Đỗ Nhân Đạo: Trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực KTTT, HTX, đòi hỏi các mô hình KTTT nói chung, HTX nói riêng phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu, phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế.

Đồng thời đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; vận động HTX thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ những rào cản vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX.

Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia KTTT, HTX.

Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên. Khuyến khích các tổ chức KTTT, HTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường...

Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX. Để làm tốt nội dung này cần xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn Yên Bái.   


Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và Viện Kinh tế hợp tác thuộc Liên minh HTX Việt Nam kiểm tra, đánh giá hoạt động của một số HTX trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

- Được biết, Tháng hành động vì HTX năm 2024 của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam với chủ đề "Vì sự phát triển bền vững của HTX”, ông có thể cho biết, Liên minh HTX  tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức những hoạt động thiết thực gì để hướng ứng Tháng hành động vì HTX năm 2024?

Ông Đỗ Nhân Đạo: Tháng hành động vì HTX năm 2024 với chủ đề "Vì sự phát triển bền vững của HTX” lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên minh HTX Việt Nam và để triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua thiết thực chào mừng kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam (11/4), Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên minh HTX tỉnh Yên Bái (14/4/1994-14/4/2024), Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024, với các nội dung cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, tiếp tục phát huy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan Liên minh HTX tỉnh và cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong các THT, HTX, quỹ tín dụng nhân dân, doanh nghiệp thành viên. 

Hoạt động trọng tâm triển khai trong tháng cao điểm từ 29/3/2024-29/4/2024 và năm 2024 như: tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên minh HTX tỉnh Yên Bái; tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các HTX, THT, quỹ tín dụng nhân dân; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ và thành viên có nhu cầu sử dụng vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; xây dựng các mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực KTTT, HTX…

- Xin cảm ơn ông!

Thành Trung 
(thực hiện)

Tags Kinh tế tập thể hợp tác xã sản xuất Yên Bái chuỗi giá trị người lao động

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục