Xây dựng nông thôn mới ở Văn Chấn: Thành công từ sự đồng thuận

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/7/2024 | 7:21:16 AM

YênBái - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã nhận được sự đồng thuận của người dân qua việc hiến đất, tài sản, hoa màu trên đất để làm các công trình công cộng, góp phần đưa diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay với 100% tuyến đường liên thôn, liên xóm tại các xã NTM được bê tông hóa, hình thành các tuyến đường hoa, tuyến đường phụ nữ, thanh niên tự quản mang lại cảnh quan mới, sức sống mới cho địa phương.

Nông dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn chung sức xây dựng đường nông thôn mới.
Nông dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn chung sức xây dựng đường nông thôn mới.

Diện mạo mới ở các xã NTM

Đồng chí Đặng Ngọc Toán - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Búng phấn khởi: niềm vui lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương chính là xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền các cấp, bởi Nậm Búng là 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn đã cán đích NTM với nguồn lực huy động hơn 68 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 24 tỷ đồng để hoàn thiện 19 tiêu chí. 

Đồng thời, xã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa chất lượng cao như: vùng trồng lúa 178 ha, vùng trồng chè Shan tuyết hơn 400 ha, sản lượng bình quân đạt trên 13 tấn/ha, đưa cây mắc ca vào trồng thử nghiệm trên diện tích 80 ha tại 6 thôn... đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người từ 42 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%...

Cùng với Nậm Búng, xã Đại Lịch cũng là một trong những địa phương đầu tiên cán đích NTM vào năm 2016 và đón chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Từ nguồn vốn Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp, Đại Lịch đã kiên cố hóa 42 km đường liên thôn, liên xã; xây dựng trên 36 km lưới điện thắp sáng đường quê; trồng 21,5 km đường hoa. Đồng thời, cả 7 thôn đều đạt tiêu chuẩn văn hóa; trên 91% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 7%. 

Các lĩnh vực: y tế, giáo dục được quan tâm; cảnh quan, môi trường được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đồng chí Bùi Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã khẳng định: những kết quả đạt được là bước đệm quan trọng để xã Đại Lịch không ngừng nỗ lực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân để đưa xã cán đích NTM kiểu mẫu thời gian tới.

Còn nhiều tiêu chí khó và nhiều xã "khó”

Bên cạnh những kết quả đạt được, XDNTM ở Văn Chấn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tiêu chí khó như: Tiêu chí số 2 về giao thông; số 11 về hộ nghèo, số 17 về môi trường, số 19 về an ninh trật tự… Đồng thời, còn nhiều xã khó khăn và việc thực hiện các tiêu chí cần nguồn lực lớn hỗ trợ từ Nhà nước. 

Đồng chí Bàn Thị Náy - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Xã hiện đã đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí: môi trường, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí về điện. Với mục tiêu cán đích NTM vào cuối năm nay, xã đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư của trung ương, tỉnh, huyện vào thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí dễ biến động như tiêu chí số 17 về môi trường.

Với đặc thù của địa phương có tới 15/21 xã đặc biệt khó khăn, việc XDNTM đã được cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn xác định thực hiện từ các tiêu chí dễ đến khó, có lộ trình và phương pháp triển khai thực hiện cụ thể. Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện luôn bám sát tình hình cơ sở, đề xuất các phương án phù hợp, sát với tình hình thực tế để hoàn thành từng tiêu chí; gắn phát triển kinh tế với phát huy lợi thế địa phương nhằm phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm, lấy chủ thể là người dân trực tiếp tham gia XDNTM.

Đồng chí Mùa A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: "Nằm trong lộ trình cán đích NTM, xã xác định đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, với đặc thù của địa phương trên 80% đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 7 thôn. Nhiều thôn cách xa trung tâm xã; do đó, chúng tôi vận động nhân dân tận dụng lợi thế địa phương tập trung chăm sóc hơn 600 ha chè Shan tuyết kết hợp với phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, thúc đẩy kinh tế và mức sống của người dân. Đối với địa phương, thực hiện tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo hiện được xác định khó nhất trong XDNTM”. 

Đến thời điểm này, huyện Văn Chấn đã có 12 xã cán đích NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó, có 5 xã vùng đặc biệt khó khăn cán đích NTM. Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 3 xã NTM gồm: Nậm Lành, Suối Giàng, Cát Thịnh; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Minh An và Thượng Bằng La. 

Đồng chí Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu giúp Ban Chỉ đạo XDNTM huyện triển khai các chương trình, dự án tập trung cho các xã trong lộ trình cán đích NTM; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh duy trì 235 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; triển khai, hướng dẫn xây dựng các mô hình áp dụng các quy mô chăn nuôi phù hợp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng 26 sản phẩm OCOP, trong đó, 13 sản phẩm đạt 3 sao, 13 sản phẩm đạt 4 sao, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,8%/năm…

Đoàn kết, đồng thuận là yếu tố quyết định

Đồng chí Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Văn Chấn khẳng định: phong trào XDNTM ở Văn Chấn đã nhận được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị đến người dân; từ đó, tạo khí thế, nỗ lực phấn đấu và gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của nhân dân;, hình thành được các mô hình kinh tế, nhất là kinh tế hộ được quan tâm và người dân cũng chú trọng hơn tới việc sản xuất hàng hóa, nông sản đặc sản, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Các xã được công nhận NTM đã có những đổi thay trong tư duy, năng lực của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư được nâng lên; vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết trong XDNTM. 

Đặc biệt, XDNTM đã nhận được sự đồng thuận của người dân qua việc hiến đất, tài sản, hoa màu trên đất để làm các công trình công cộng, góp phần đưa diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay; 100% tuyến đường liên thôn, liên xóm tại các xã NTM được bê tông hóa, hình thành các tuyến đường hoa, tuyến đường phụ nữ, thanh niên tự quản mang lại cảnh quan mới, sức sống mới cho địa phương. 

Khắc phục hạn chế về địa bàn rộng, nhiều xã, thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn đã huy động tối đa các nguồn lực kết hợp lồng ghép các chương trình. Chỉ tính riêng 2 năm (2022 - 2023) và 5 tháng đầu năm 2024, huyện đã huy động hơn 68,5 tỷ đồng; trong đó, giải ngân hơn 52,1 tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán huyện giao cho Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.

Thấm nhuần lời dạy của Bác "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, chương trình XDNTM ở Văn Chấn có thành công hay không thì cái cốt vẫn phải là sự đồng thuận, thống nhất, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay của nhân dân. Những kết quả đạt được sẽ là động lực để huyện Văn Chấn bứt phá, vươn lên đạt nhiều kết quả hơn nữa trong công cuộc XDNTM ở địa phương.

Ngọc Sơn

Tags Văn Chấn nông thôn mới giao thông nông thôn hộ nghèo nguồn vốn

Các tin khác
Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhờ công tác tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn hỗ trợ thành viên. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi trâu thương phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thiên An.

Được thành lập năm 1997, hơn 27 năm qua, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ thành viên trực thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái đã đồng hành tư vấn thành lập mới, phổ biến chính sách, nâng cao năng lực quản trị, thu hút nguồn lực đầu tư cho các HTX, tạo được niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho các HTX, doanh nghiệp thành viên trên địa bàn tỉnh…

6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Yên Bái ước đạt 199 triệu USD, tăng 30,8% so cùng kỳ, đạt 47,3% kế hoạch năm.

Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ có đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế

6 tháng đầu năm, dự ước tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Yên Bái đạt trên 10.876 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 5,36% so cùng kỳ.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái Giàng A Câu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị.

Ngày 2/7, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân cụm thi đua số 1 với sự tham gia của Hội nông dân 14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục