Văn Chấn: Mở rộng diện tích trồng đỗ tương đến xã vùng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 26/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vùng cao Văn Chấn có trên 300 ha ruộng 1 vụ ít được khai thác đưa vào sản xuất trong vụ đông xuân, vụ hè thu, do tập quán của đồng bào chưa quen làm tăng vụ. Bên cạnh đó, trong 2 vụ sản xuất này thường hạn hán, do khí hậu thời tiết bất thường và trước đây chưa có giống cây trồng phù hợp với vùng cao. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền huyện đến xã thiếu quan tâm chỉ đạo sản xuất tăng vụ ở vùng cao.
Đỗ tương ở bản Hốc xã Sơn Thịnh (Văn Chấn).
|
Năm 2006, huyện Văn Chấn chỉ đạo trồng thử nghiệm giống đỗ tương DT84 trong vụ đông xuân, vụ hè thu ở diện tích ruộng 1 vụ và trên đồi tại 4 xã: Nậm Lành, Nậm Mười, Sùng Đô và Suối Bu. Có 165 hộ trực tiếp trồng để khảo nghiệm với diện tích 8,25 ha. Trạm Khuyến nông huyện trực tiếp chỉ đạo từ khâu xây dựng kế hoạch, quy hoạch giao đất cho các hộ, kỹ thuật làm đất, gieo hạt, chăm sóc... Kết quả 2 vụ sản xuất đỗ tương ở 4 xã trên đều cho năng suất khá cao (từ 13 tạ đến 15 tạ/ha/vụ). Cá biệt có hộ chăm sóc tốt đã cho năng suất cao trên 15 tạ/ha/vụ. Những hộ trồng đỗ tương đã có thu nhập nhất định, ổn định được đời sống và giải quyết được việc làm cho lao động. Từ đó đã có nhiều hộ nông dân đăng ký với xã để trồng đỗ tương.
Từ kết quả 2 vụ trồng đỗ tương tại 4 xã năm 2006 vụ đông xuân 2006 - 2007 huyện chỉ đạo mở rộng diện tích trồng đỗ tương ở 15 xã vùng cao. Nhằm khuyến khích nhân dân trồng đỗ tương, chuyển đổi được nhận thức sản xuất tăng vụ, huyện đã hỗ trợ cho các hộ về giống, phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật và điều động 33 cán bộ của Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật trực tiếp chỉ đạo các xã, tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật cho các hộ về làm đất, gieo hạt, chăm sóc.
Kết quả, vụ đông xuân 2006 - 2007, các xã đã trồng được 234,65 ha, trong đó Trạm Khuyến nông huyện thực hiện hợp phần nông nghiệp của chương trình Dự án Giảm nghèo 11,25 ha. Có sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể về kỹ thuật của ngành nông nghiệp lại được Nhà nước hỗ trợ về giống, phân vô cơ thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc đảm bảo kỹ thuật nên năng suất thu hoạch thực tế bình quân đỗ tương đạt từ 15 đến 18 tạ/ha/vụ, trong đó có một số diện tích đạt năng suất trên 20tạ/ha/vụ như ở Nậm Lành, Sùng đô, Nậm Mười, Sơn Thịnh...
Qua 2 vụ đông xuân, 1 vụ hè thu đã khẳng định giống đỗ tương DT84 sinh trưởng phát triển tốt, thích nghi với nhiều loại đất, nhiều vùng khác nhau đem lại hiệu quả kinh tế cao, người nông dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, đã làm cho người nông dân vùng cao thay đổi được nhận thức, về nếp nghĩ, cách làm cũ trước đây thực hiện chuyển đổi cây trồng, sản xuất tăng vụ.
Vào vụ hè thu và đông xuân năm 2007 - 2008, huyện Văn Chấn có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây đỗ tương ở 100% diện tích ruộng 1 vụ, bãi màu, trên đồi nơi có điều kiện nhằm tăng thu nhập cho nông dân, giải quyết việc làm cho người lao động, cải tạo đất cho cây trồng vụ sau... huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giống, phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật cho các xã vùng cao, cho các hộ nghèo vùng thấp trồng đỗ tương...
Triển vọng phát triển, mở rộng diện tích cây đỗ tương giống ngắn ngày ở Văn Chấn là rất lớn, cần được đẩy mạnh thành vùng tập trung để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống, phát triển chăn nuôi, tiến tới xuất khẩu. Đây cũng là một thế mạnh của Văn Chấn hiện nay và trong tương lai cần được chính quyền các cấp quan tâm và có chính sách hợp lý để phát triển.
Hoàng Hữu Nghiêm
Các tin khác
YBĐT - Ngồi giữa ngôi nhà khang trang, to đẹp được dùng là trụ sở chính, ông Đỗ Kim Can bồi hồi nhớ lại quá trình ra đời và phát triển của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) do ông làm chủ nhiệm.
YBĐT - Để giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, vừa qua, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã tổ chức đối thoại trực tiếp với 70 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
YBĐT - Là một tỉnh miền núi có điểm xuất phát sản xuất nông-lâm nghiệp lạc hậu song dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, bà con nông dân sản xuất nông - lâm nghiệp đã tạo ra bước đột phá mới.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, cửa ngõ của miền Tây Bắc, hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy nối liền với tỉnh biên giới Lào Cai và các tỉnh lân cận. Những yếu tố đó rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển thương mại, song tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và gian lận thương mại cũng diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trước đòi hỏi của thực tế, Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Yên Bái đã hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.