Bước đột phá trong sản xuất nông - lâm nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là một tỉnh miền núi có điểm xuất phát sản xuất nông-lâm nghiệp lạc hậu song dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, bà con nông dân sản xuất nông - lâm nghiệp đã tạo ra bước đột phá mới.
Phát triển diện tích cây ăn quả ở Văn Chấn cho người dân thu nhập cao và ổn định.
|
Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực, tỷ lệ đói nghèo luôn ở mức cao, khai thác rừng tự nhiên là chính, thì hôm nay Yên Bái đã cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực, nhiều vùng đã sản xuất theo hướng hàng hoá. Người dân đã biết trồng và tu bổ rừng, rừng đã không thể thiếu với cuộc sống đã và đang trở thành một nghề, ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế nông nghiệp nông thôn ngày một đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Một trong những yếu tố mang lại thành công là việc đưa các giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất trên đồng ruộng, từng bước hình thành vùng lúa tập trung. Sản xuất đã có sự phát triển cân đối giữa chăn nuôi - trồng trọt. Đồng thời, tăng những diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi theo hướng tăng giá trị thu nhập và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích đầu tư của tỉnh là đòn bẩy quan trọng trong sản xuất. Đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng cũng như phong tục tập quán địa phương; đưa các giống lúa lai vào sản xuất 100% diện tích ở vùng cao, vùng thấp đưa giống lúa thuần, lúa chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hoá.
Cùng với chuyển dịch cơ cấu giống, bà con thực hiện tốt đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng các loại cây giá trị kinh tế cao; chuyển ruộng cấy một vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và các cây rau mầu giá trị kinh tế cao như lạc, đậu. Trấn Yên là huyện điển hình trong sản xuất theo hướng hàng hóa, bà con nông dân các xã Hợp Minh, Giới Phiên, Nga Quán, Minh Quán... đã ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích hàng trăm ha. Trong sản xuất kinh doanh chè, bà con đã đầu tư hàng tỷ đồng chuyển đổi, trồng thay thế diện tích chè giống cũ bằng giống mới, đáp ứng cho sản xuất chế biến chè xuất khẩu. Hàng ngàn ha chè giống mới ở Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên đã cho thu hoạch với giá một kg búp nguyên liệu đạt 15-17 ngàn đồng/kg, cao gấp 4-5 lần chè giống cũ. Những sản phẩm chè "Chè đặc sản Bát Tiên", "Chè ô long Thành Công", " chè Shan tuyết Suối Giàng" do chính bà con nông dân sản xuất, chế biến có giá hàng trăm ngàn đồng/kg đã được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Chương trình chăn nuôi bò bán công nghiệp đang được triển khai rộng rãi trong dân và đã có nhiều hộ dân có đàn bò lên đến hàng trăm con. Bốn ngàn hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ mua bốn ngàn con bò sinh sản và nhiều nguồn vốn vay khác giúp các hộ có cơ hội thoát nghèo.
Phát huy thế mạnh về đất rừng, tỉnh đã phát động phong trào trồng rừng kinh tế gắn với chế biến. Diện tích rừng ngày một nhiều, Yên Bái giờ là trung tâm của vùng cây nguyên liệu giấy với diện tích trên 200 ngàn ha và sản lượng khai thác hàng triệu m3/năm. Không dừng lại ở việc trồng rừng bán cây nguyên liệu mà các tổ hợp tác xã, các nhà máy chế biến ván dăm hiện đại đã mọc lên khắp các vùng quê. Sản phẩm ván ghép thanh, kệ kê hàng ván dăm và ván nhân tạo đã được tiêu thụ khắp trong nước. Giá trị kinh tế từ rừng đã được nâng lên rõ rệt. Để có đất cho trồng rừng, vừa qua tỉnh đã tiến hành rà soát lại ba loại rừng chuyển những diện tích rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi tái sinh kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế. Các huyện thị phía tây của tỉnh như: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang chải và thị xã Nghĩa Lộ hôm nay cũng đã nhận đất trồng rừng. Nhiều dự án nhà máy chế biến gỗ rừng trồng có tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng đang được triển khai ở Trấn Yên, Yên Bình và Văn Chấn. Trồng và phát triển rừng đã và đang trở thành một nghề của hàng vạn hộ nông dân, kinh tế đồi rừng đã thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại bất cập cần được khắc phục mới có thể phát huy hết hiệu quả. Đó là sự đầu tư khá lớn, song vùng thâm canh lúa của Văn Yên, Văn Chấn vẫn chưa thật sự rõ nét. Ruộng đất vẫn manh mún, không đáp ứng cho việc cơ giới hoá đồng ruộng. Cơ sở hạ tầng chưa phát huy hết hiệu quả, nhiều chỗ còn kém nhất là ở các vùng không nằm trong quy hoạch. Năng suất lúa, ngô tuy đã cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về khí hậu, thuỷ lợi, các hạng mục đầu tư. Đã có sản phẩm hàng hoá song chất lượng không ổn định, khối lượng ít, giá trị kinh tế không cao. Lúa, gạo chủ yếu là giống lúa lai, giá trị kinh tế thấp lại không có thị trường. Từ đó dẫn đến giá trị kinh tế trên mỗi ha mới chỉ đạt trên 40 triệu đồng/năm. Đó là những nguyên nhân cơ bản hạn chế việc mở rộng các giống lúa chất lượng cao đã trồng thành công trong vùng những năm trước đây. Trong sản xuất vụ đông mới chỉ có 70% diện tích được gieo trồng, cơ cấu giống vẫn lấy ngô làm chủ lực và năng suất lại thấp, chưa vượt ngưỡng 30tạ/ha. Với số lượng như vậy chỉ đáp ứng cho chăn nuôi nhỏ lẻ chứ chưa trở thành hàng hoá.
Khắc phục những nhược điểm đó, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đề án phát triển lúa gạo chất lượng cao tạo vùng hàng hoá rộng lớn; củng cố phát triển vùng chè nguyên liệu đáp ứng cho chế biến, thay đổi công nghệ chế biến chè đạt chất lượng xuất khẩu và nội tiêu; phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng bán công nghiệp theo từng vùng kinh tế. Với những hướng đi đó, sản xuất nông-lâm nghiệp Yên Bái sẽ có cơ hội phát triển lên một tầm cao mới, xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn và tiến tới làm giàu.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, cửa ngõ của miền Tây Bắc, hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy nối liền với tỉnh biên giới Lào Cai và các tỉnh lân cận. Những yếu tố đó rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển thương mại, song tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và gian lận thương mại cũng diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trước đòi hỏi của thực tế, Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Yên Bái đã hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.
YBĐT - Tỉnh uỷ vừa tổ chức hội nghị đánh giá các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2001- 2010.
YBĐT - Trong số 8 xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn thì Minh An là xã nghèo nhất, nguyên nhân đói nghèo thì có nhiều như: Trình độ dân trí thấp, vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nhất là 6 thôn người Dao. Điều kiện tự nhiên cũng không thuận lợi, tổng diện tích tự nhiên toàn xã lên tới 1112 ha nhưng chủ yếu là đất rừng, đồi núi cao, độ dốc lớn, đất nông nghiệp có thể gieo cấy lúa chỉ có 37,8 ha.
YBĐT - Trong những năm qua, mặc dù công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở Trấn Yên được Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.