Thanh niên xung kích trong công cuộc giảm nghèo ở vùng cao Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2024 | 2:05:56 PM

YênBái - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo. Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế hộ, tuổi trẻ nơi đây còn thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện giúp đỡ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thanh niên Sùng A Giàng ở xã Nậm Khắt bước đầu thành công với mô hình trồng hoa hồng.
Thanh niên Sùng A Giàng ở xã Nậm Khắt bước đầu thành công với mô hình trồng hoa hồng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ghi nhận và đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp dựng nước và đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo Người, thanh niên là lực lượng nòng cốt, có sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, có ước mơ hoài bão, dám nghĩ, dám làm, có vai trò quyết định đối với vận mệnh dân tộc. 

Trải qua nhiều thời kỳ từ dựng nước đến xây dựng, phát triển đất nước, vai trò ấy vẫn được giữ nguyên giá trị. Thanh niên vẫn là lực lượng nòng cốt của dân tộc, là chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Sự nghiệp xoá đói giảm nghèo cũng không ngoại lệ, đặc biệt lại càng cần thiết ở một địa phương xa xôi, cách trở và đói nghèo, lạc hậu bởi địa hình chia cắt, độ dốc cao, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều như Mù Cang Chải. Thanh niên sẽ không chỉ là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế hộ mà còn thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện giúp đỡ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Những năm qua, các tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện không chỉ làm cầu nối cho thanh niên vay vốn ưu đãi thông qua hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mà còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; thành lập các câu lạc bộ "Thanh niên làm kinh tế giỏi”, "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”, tích cực đồng hành, hỗ trợ thanh niên xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế đến đông đảo thanh niên địa phương. 

2 năm trở lại đây, Huyện đoàn Mù Cang Chải đã tham mưu, tổ chức thành công các buổi gặp gỡ đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với thanh niên, tạo cơ hội cho thanh niên trực tiếp bày tỏ nguyện vọng, tâm tư, mong muốn và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, tiếp cận khoa học công nghệ, tạo điều kiện các sản phẩm của thanh niên tham gia các hội chợ, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sàn giao dịch thương mại điện tử… 

Dưới sự dẫn dắt của các cơ sở Đoàn, tin tưởng theo Đảng cùng sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng thanh niên Mù Cang Chải đã từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, chủ động khai thác lợi thế của tuổi trẻ, thế mạnh quê hương để bản thân thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Dù có vấp ngã cũng đã mạnh dạn đứng dậy, bước tiếp, dẫu có phải rẽ thêm lối. 

Tiêu biểu có thể kể đến như thanh niên Sùng A Giàng ở xã Nậm Khắt. Sau thất bại từ mô hình nuôi gà hàng hóa, anh lại rẽ lối mới, trồng hoa hồng - loài hoa đang bộc lộ nhiều thế mạnh ở đất này. Đến nay, sau 5 năm kiên trì, anh Giàng đã có trong tay 4 ha hoa hồng, trừ chi phí, anh thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng/năm. 

Điều quan trọng hơn là anh Giàng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động tại chỗ với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng cũng như truyền cảm hứng, tạo điều kiện cho 3 thanh niên trong xã học tập và làm theo. Anh Giàng đã thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được, đồng thời bao tiêu sản phẩm ban đầu. Khi họ đã làm ăn cứng cáp hơn, anh Giàng còn chủ động kết nối với một số đầu mối để thanh niên trong bản tự liên kết, tiêu thụ sản phẩm. 

Một điều đáng mừng là những thanh niên như Sùng A Giàng đang ngày càng phổ biến ở Mù Cang Chải. Không chỉ bắt tay vào làm kinh tế mà họ không "giấu nghề”, chủ động liên kết, giúp đỡ nhau nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đó là sự liên kết, hỗ trợ nhau làm du lịch của 60 thanh niên Mù Cang Chải bắt nguồn từ sự thành công và định hướng của thanh niên Giàng A Dê (La Pán Tẩn), hàng năm, đón tiếp cả trăm nghìn khách du lịch; liên kết thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Lao Chải do Sùng A Nủ làm Giám đốc đã vận động gia đình và một số thanh niên trong bản đang nuôi trâu, bò thả rông chuyển đổi sang chăn nuôi chuồng trại tập trung, kết hợp với trồng cỏ để chế biến thức ăn, kết hợp sử dụng hệ thống biogas để bảo vệ môi trường và hướng tới việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng để lấy củi; hay Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ Lao Chải với 19 thành viên có 16 ô tô và 3 máy xúc để cùng nhau nhận tham gia các công trình xây dựng, san gạt mặt bằng, vận chuyển hàng hóa cho nhân dân… 

Cho đến nay, thanh niên trên địa bàn huyện đã thành lập được 82 tổ hợp tác, 2 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã, 2 câu lạc bộ doanh nhân trẻ, gần 300 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Cùng với vai trò chủ thể, thanh niên Mù Cang Chải cũng thể hiện rõ trách nhiệm cộng đồng trong công cuộc này. Bắt đầu là việc hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ thanh niên và người dân xây dựng các mô hình kinh tế, tạo việc làm cho cả nghìn lao động địa phương. 


Thanh niên Mù Cang Chải được đồng hành, tạo điều kiện để học tập và phát triển các mô hình kinh tế gia đình, tạo thu nhập để nhanh chóng thoát nghèo. 

Hình ảnh màu áo xanh cũng đã trở nên quen thuộc trong các chương trình tiếp sức mùa thi hàng năm, kết nối các nhà hảo tâm để có kinh phí bê tông hoá hàng trăm ki-lô-mét đường "Cùng em tôi đến trường” hay kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà, bảo trợ hàng tháng đã giúp đỡ biết bao con em đồng bào trên con đường đến lớp, đến trường. 

Trong những buổi hỗ trợ hộ nghèo tháo dỡ, di dời, xây dựng nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh, lò đốt rác, làm đường giao thông nông thôn... thanh niên cũng là lực lượng có mặt đầu tiên, đông đảo nhất mà chẳng thể đếm xuể những ngày công ấy. Chưa kể, lực lượng thanh niên có trình độ đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc truyền tải các thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến từng ngõ ngách bằng những chiếc loa di động, bằng việc đến từng hộ gia đình để đọc sách, báo, giúp hộ nghèo ở những nơi xa xôi tiếp cận thông tin… 

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên khẳng định, thanh niên vùng cao Mù Cang Chải trong khoảng 10 năm trở lại đây là những người có học vấn, trình độ, kiến thức, năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, thậm chí dám chấp nhận mạo hiểm để biến giấc mơ thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương thành hiện thực. Trong suy nghĩ, nhận thức của họ có sự thay đổi khá rõ nét. Họ hiểu rằng không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với cuộc sống, với bản thân, gia đình và xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 60,79% (năm 2016) xuống còn 38,45% (năm 2023 - chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025), tốc độ giảm bình quân đạt trên 8%/năm, tương đương giảm trung bình 1.000 hộ/năm. 

Trong thời gian tới, để thanh niên tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công cuộc giảm nghèo vẫn rất cần sự tiếp tục vào cuộc của cấp ủy, chính quyền trong việc định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ tốt hơn cho thanh niên khởi nghiệp thành công; nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm, từ đó chủ động tư vấn, định hướng và liên kết mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; kết nối giữa thanh niên có ý tưởng, có mô hình khởi nghiệp khả thi với các doanh nghiệp, doanh nhân... 

Các cơ sở Đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò thu hút, tập hợp thanh niên, khuấy động các phong trào xung kích, tình nguyện, làm tốt công tác uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp thanh niên thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cũng cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, các thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Hoài Anh

Tags Thanh niên xung kích công cuộc giảm nghèo vùng cao Mù Cang Chải

Các tin khác
Chợ Tân Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình là nơi giao thương mua bán của người dân trong xã và các xã lân cận.

Các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn với mô hình các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn...

Công nhân Điện lực Yên Bình kiểm tra đường dây 35kV trước khi đóng điện.

Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái) vừa hoàn thành công trình Cải tạo lưới điện 10kV lên 35kV, xóa bỏ trạm biến áp trung gian khu vực Thác Bà đã xây dựng từ năm 1994 đến nay bộc lộ nhiều bất cập.

Dự ước 8 tháng, trâu xuất chuồng đạt 10.376 con, tăng 3,16% so với cùng kỳ

8 tháng đầu năm 2024, Yên Bái đạt sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính trên dự ước trên 44.087 tấn, tăng 5,67% so với cùng kỳ.

Đến hết ngày 31/8/2024, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng 7,82% so với thời điểm ngày 31/12/2023.

Đến hết ngày 31/8/2024, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện đạt 53.800 tỷ đồng, tăng 7,82% so với thời điểm ngày 31/12/2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục