Hướng đi nào cho người trồng rau ở Âu Lâu?

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Âu Lâu nằm kề bên bờ sông Hồng và ven hai bờ hạ lưu của ngòi Lâu. Vì thế, đất soi bãi trồng rau màu ở đây có tới trên 70 ha thuộc địa bàn của 8/13 thôn. Đất bãi nhiều như vậy, cộng thêm với phong trào làm cây màu vụ 3 trên đất 2 vụ lúa, đã tạo nên một lượng rau màu khá lớn phục vụ đời sống thường nhật của dân trong xã và cung cấp cho thị trường thành phố Yên Bái.

Giống đậu đũa Trung Quốc cũng được trồng ở đây, cho dù cây không tốt bằng nhưng quả rất sai.
Giống đậu đũa Trung Quốc cũng được trồng ở đây, cho dù cây không tốt bằng nhưng quả rất sai.

Bà con cho biết, làm rau màu cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng chè. Dẫu vậy, việc trồng rau màu ở đây vẫn nặng lối canh tác truyền thống. Người dân tự lựa chọn giống theo kiểu "mùa nào thức ấy" rồi trồng chăm sóc, bó mớ mang sang chợ thành phố tiêu thụ. Cho nên, tiếng là làm thu nhập cao hơn lúa, chè và lại có ưu thế về thị trường nhưng trong xã cũng chưa có ai giàu lên từ cây rau màu.

Nhiều bà con trồng rau trong xã cũng đang tự nhận thấy là địa phương mình đang còn lãng phí tiềm năng. Có người thắc mắc rằng, thị trường thành phố Yên Bái luôn khan hiếm nhiều loại rau quả và vẫn phải tiêu thụ rau của vùng Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Vậy, ở Vĩnh Tường có gì khác ta mà họ làm được, còn ta thì không? Hoặc rau của họ thì tiêu thụ tốt, còn rau của ta thì có lúc ế ẩm? Điển hình như vụ đông xuân vừa qua có những gia đình ở thôn Phú Nhuận có cả nghìn củ su hào to không tiêu thụ được...

Đã có một bác nông dân đã tự đi tìm câu trả lời cho những điều thắc mắc trên và cho biết, nông dân Vĩnh Tường làm được là do họ từ lâu đã hình thành được vùng chuyên canh rau màu. Họ tích cực đầu tư giống vốn, khoa học kỹ thuật màu để trồng rải vụ, trái vụ và đa dạng các loại rau màu bám theo theo thị hiếu hàng ngày của người tiêu dùng. Cho nên đi đến bất kỳ vùng nào thì hàng hoá rau quả của Vĩnh Tường vẫn chiếm ưu thế trước rau quả của địa phương. Còn ở ta thì cả làng chỉ trồng một vài thứ rau, trồng đại trà cùng một lúc thì biết bán cho ai...

Dẫu vậy, người trồng rau ở Âu Lâu chưa ai có ý nghĩ từ bỏ những lợi ích kinh tế từ sản xuất rau màu. Bà con vẫn hy vọng từ  lợi thế của thị trường và tiềm năng đất đai thì trong tương lai cây rau màu sẽ là cây làm giàu. Niềm hy vọng của của họ là rất thực tế và nó lại càng có cơ sở hơn khi ngay trên đất Âu Lâu vừa hình thành một cơ sở chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty TNHH Vạn Đạt (gọi tắt là Công ty Vạn Đạt).

Được biết, vụ đông xuân vừa qua Công ty Vạn Đạt đã thông qua Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên tiếp cận với nông dân xã Âu Lâu để triển khai một số giống rau quả mới phục vụ cho xuất khẩu như: cải xanh cuốn, cải củ, đậu đũa Đài Loan. Phía Công ty Vạn Đạt giúp đỡ về kỹ thuật, ứng trước hạt giống và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, việc xúc tiến vấn đề này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Đối với cây cải củ, phía Công ty Vạn Đạt đưa ra những tiêu chuẩn sản phẩm để chế biến xuất khẩu khá khắt khe về kích cỡ, màu sắc của củ cải nhưng giá mua thấp và bà con lại chưa trồng bao giờ nên dân không đủ tự tin để triển khai. Cây cải xanh cuốn sau khi trồng ở đây đã phát triển rất tốt. Ông Lê Việt Hùng - khuyến nông viên của xã cho biết: "Cây cải xanh chỉ cần chăm sóc ở mức bình thường cũng đã nặng tới hơn 3 kg/cây. Nhưng giá mua của Công ty Vạn Đạt cũng thấp và thời gian sinh trưởng của cây cải xanh cuốn khá dài nên hiện tại bà con cũng không còn mặn mà với loại cây này nữa". Riêng với cây đậu đũa Đài Loan thì nói như ông Nguyễn Văn Hoà-Trưởng thôn Phú Nhuận thì: "Bà con trồng mô hình điểm giống đậu đũa dính một phen mừng hụt".

Theo khuyến cáo của Công ty Vạn Đạt thì một sào đỗ có thể cho năng suất từ 1,2 tấn đến 1,5 tấn/sào. Nếu Công ty chỉ cần mua với giá 1.500 đồng/kg thì trong 3 tháng, một sào đất màu cũng cho bà con một khoản thu nhập khá. Chính vì vậy, mà khi trồng cây đậu đũa này, dù phải trồng dặm, trồng lại một vài lần nhưng bà con vẫn không nản chí. Đến khi cây đỗ phát triển thì dây rất tốt, ai cũng hy vọng thắng lớn. Nhưng buồn thay chờ mãi không thấy ra quả hoặc mỗi dây chỉ lác đác vài quả. Trong khi đó, liền kề với diện tích đậu đũa giống Đài Loan thì giống đậu đũa Trung Quốc lại lúc lỉu quả và năng suất đạt từ 1 tấn đến 1,2 tấn/ sào. Chính vì thế mà 2ha đậu đũa giống Đài Loan chỉ bán cho Công ty Vạn Đạt được 600 kg quả tươi.

Ông Trưởng thôn Phú Nhuận cũng cho biết, phía Công ty Vạn Đạt cũng đã có ý kiến rằng, bà con trong thôn trồng đậu đũa Đài Loan đã thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật do Công ty hướng dẫn. Nhưng vì sao mà đỗ đũa không ra quả thì Công ty cũng không rõ nguyên nhân. Hiện nay bà con trồng đỗ đã có đơn đề nghị Công ty hỗ trợ một phần kinh phí bù vào những đầu tư công sức, phân bón, rèo đỗ...

Bên cạnh những khó khăn trên, thực tế còn cho thấy người trồng rau ở Âu Lâu còn gặp nhiều những trở ngại khác. Trở ngại trước hết là người trồng rau vẫn còn làm ăn theo lối tự phát. Nhiều người dân còn tư tưởng chờ đợi người khác làm thành công rồi mới làm, chứ chưa mạnh dạn thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu giống, đa dạng chủng loại, mùa vụ và đầu tư thâm canh.

Về phía chính quyền địa phương, theo ông Vũ Đình Chiến-Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã vẫn chưa có một chủ trương, giải pháp nào mang tính chiến lược cho việc phát triển thế mạnh từ cây rau màu". Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc tiềm năng vùng đất soi bãi ở đây đang thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu kế hoạch phát triển kinh tế mang tính đồng bộ. Phía doanh nghiệp chế biến chưa thể hiện được năng lực xây dựng mô hình canh tác để thu hút sự quan tâm của nông dân, chưa thể hiện rõ bước đi song hành với nông dân; chưa có cơ chế đầu tư, thu mua thực sự hấp dẫn cho vùng nguyên liệu...

Hiện nay bên cạnh lợi thế liền kề với thành phố Yên Bái, Âu Lâu có tiềm năng thiên nhiên ưu đãi và lại có thêm lợi thế từ nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà nông đang cùng quan tâm đến việc phát triển lợi ích kinh tế của cây rau màu. Nhưng để trở thành thế mạnh kinh tế thực sự trong tương lai thì có lẽ tất cả mọi vấn đề cần phải bắt đầu ngay từ việc tháo gỡ những tồn tại nêu trên.

Hoàng Nhâm

 

Các tin khác
Người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn

Trong giai đoạn 2019 – 2024, huyện Văn Chấn đã được đầu tư gần 420 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

Gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân tỉnh Yên Bái tại Hà Nội.

Trong 3 ngày 17 - 20/5, Hội Nông dân tỉnh (HND) Yên Bái đã tham gia “Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao, thân thiện với môi trường” do HND thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chương trình phối hợp giữa HND thành phố Hà Nội với HND các tỉnh, thành năm 2024.

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được đơn vị tạo điều kiện phát huy sáng kiến trong công việc.

Để sở hữu nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, các doanh nghiệp (DN), chủ sử dụng lao động ở Yên Bái đã phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng đào tạo, đào tạo lại để người lao động (NLĐ) có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 20-5.

Từ nay đến cuối năm 2024, Chính phủ tập trung vào triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 9; thi công xong 1.000 km đường bộ cao tốc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục