Chương trình cải tạo và phát triển đàn bò: Nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm khắc phục
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT – Là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, Chương trình "Cải tạo và phát triển đàn bò giai đoạn 2005 - 2010" của tỉnh Yên Bái đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Đàn bò của một hộ nông dân ở Lục Yên. (Ảnh: Hoài Nam)
|
Đàn bò phát triển tốt và tăng mạnh từ 26.000 con năm 2004 lên 38.000 con. Chương trình đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo, làm giầu. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, đề án chăn nuôi bò bán công nghiệp tạm chững lại và đang nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm khắc phục.
Chương trình cải tạo, phát triển đàn bò của tỉnh được chia thành ba đề án nhỏ: Đề án cải tạo đàn bò địa phương; Đề án chăn nuôi bò bán công nghiệp và Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho hộ nghèo, khó khăn. Trong các đề án trên thì Đề án cải tạo đàn bò được coi là mũi nhọn mang tính chiến lược lâu dài, vì hiện nay chất lượng đàn bò của tỉnh rất thấp.
Để chương trình cải tạo đàn bò đạt hiệu quả cao, tỉnh đã hỗ trợ người chăn nuôi toàn bộ vật tư cho công tác phối giống. Bò đực giống được tuyển chọn kỹ lưỡng, hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp với điều kiện miền núi. Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho hộ nghèo, khó khăn cũng đã được đánh giá là mang lại hiệu quả cao về kinh tế, vì ban đầu Đề án chỉ hỗ trợ 600 con, nhưng trong quá trình triển khai đã cho thấy hiệu quả rất tốt, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao khó khăn, tỉnh đã bổ sung thêm vào đề án nâng tổng số bò của dự án lên 4.000 con.
Để tăng số lượng đàn bò và cải tạo các giống bò địa phương, tỉnh chủ trương khuyến khích người dân và doanh nghiệp mua giống ở các địa phương khác.
Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này nhiều tỉnh, thành khác ở phía Bắc như Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ cũng đang triển khai nhiều dự án về chăn nuôi bò bán công nghiệp, nên đã đẩy giá bò giống lên cao (trung bình 12-14 triệu đồng một cặp). Đây mới là giá người dân trực tiếp đi mua, còn chưa có cước vận chuyển.
Đa số người dân khi triển khai chăn nuôi bò bán công nghiệp không có điều kiện tự đi, đều mua bò giống của một số doanh nghiệp tư nhân như: Công ty TNHH Thẩm Hường (Trấn Yên), Công ty TNHH Thành Trung (huyện Sơn Dương - Tuyên Quang)... Vì thế giá bò giống tiếp tục bị đẩy lên cao. Đến năm 2006, tỉnh dừng triển khai dự án để tập trung vào chăm sóc, cải tạo phát triển đàn bò. Lúc này khi mà nhu cầu của thị trường giảm thì giá bò giống cũng theo đó giảm mạnh.
Để tìm hiểu về tình hình của một số trang trại chăn nuôi bò lớn này, chúng tôi đến thăm trang trại của ba anh em Đinh Văn Thoại, xã Động Quan (Lục Yên). Chỉ sau 2 năm, đàn bò của ba anh em nhà họ Đinh đã phát triển từ 70 con lên trên 100 con.
Đàn bò của ba anh em Đinh Văn Thoại ở xã Động Quan (Lục Yên).
Hiện nay với 50 con bò cái sinh sản mỗi năm số lượng bò thương phẩm cần bán của trang trại trung bình 20 con. Anh Thoại tâm sự: “Tôi nuôi bò đã hàng chục năm nay, nhưng đây là giai đoạn khó khăn nhất, năm 2006 chỉ bán được 6 con giống, giá lại rất thấp chỉ bằng một nửa của những năm trước”.
Năm 2005, để phát triển đàn bò, anh Thoại đã vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua bò nái sinh sản, tuy nhiên bò giống không được tốt, mặc dù anh đã chọn rất cẩn thận và đều là những con trên 20 tháng tuổi lông mượt, dáng cao... nhưng sau một thời gian nuôi ở trang trại bò rụng lông, gầy yếu.
Anh cho biết: “Những giống bò mua ở các tỉnh miền xuôi, khi đưa về nuôi ở miền núi không thích nghi được với khí hậu, cũng như phương pháp nuôi bán chăn thả. Tôi tận dụng diện tích rừng 11 ha để làm bãi chăn thả, trồng thêm 3 ha cỏ voi làm thức ăn. Đàn bò của tôi chủ yếu là chăn thả trên rừng, trong khi đó bò mua về là những con được chăn nuôi đúng theo phương pháp bán công nghiệp, lượng thức ăn tinh nhiều hơn, điều kiện nuôi, chăm sóc cũng khác rất nhiều".
Hiện nay tuy giá bò giống giảm nhưng giá bò thịt vẫn giữ nguyên, trung bình 2,5 triệu đồng/con, vì thế anh Thoại đang tập trung phát triển đàn bò giống, chỉ bán bò thịt. Anh mong muốn được cung cấp bò giống cho những dự án chăn nuôi bò khác của tỉnh. Anh cho rằng bò giống được nuôi ở trang trại có khả năng thích nghi cao với điều kiện chăn nuôi bán chăn thả ở miền núi hơn là các giống bò mua ở miền xuôi.
Cũng là một trang trại chăn nuôi lớn, nhưng anh Nguyễn Văn Thắng xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái lại có hướng đi khác. Trong hai năm 2004 - 2005, từ số vốn vay 70 triệu đồng của ngân hàng và vốn tự có, anh đã phát triển đàn bò lên 38 con, trong đó có 30 bò nái sinh sản. Mỗi năm số bò giống cần bán cũng lên tới 12-15 con, nhưng với giá thị trường 3 triệu đồng một con như hiện nay anh không bán, mà chọn cách nuôi chia. Hiện anh đã giao bò giống cho người dân trong xã có nhu cầu nhưng không có vốn để nuôi, số bê sinh sẽ được chia đôi.
Anh Thắng nói rằng, làm như thế vừa tạo điều kiện làm ăn cho bà con, vừa giữ được bò giống, chờ qua giai đoạn này sẽ tính tiếp.
Từ tình hình thực tế trên, cả phía ngân hàng và người được vay vốn để thực hiện Chương trình cải tạo và phát triển đàn bò đều băn khoăn về hiệu quả của đồng vốn. Anh Nguyễn Công Đoàn- Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Yên Bình cho biết: “Hiện nay tổng dư nợ cho vay phát triển chăn nuôi bò bán công nghiệp của huyện gần 2 tỷ đồng. Với tình hình rớt giá như hiện nay đa số người dân không muốn phát triển chăn nuôi, nhiều hộ vay tiền mua một cặp bò sinh sản nay đã có bê nhưng với giá thị trường hiện nay thì dù có bán cả bê lẫn bò nái cũng chỉ đủ trả tiền vay ngân hàng”.
Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc là một chủ trương lớn của tỉnh và thực tế nó đã góp phần xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những khó khăn của chương trình này đang bộc lộ và rất cần có sự tháo gỡ kịp thời từ nhiều phía để chương trình mang lại hiệu quả kinh tế và niềm tin trong nhân dân.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007, vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản trung ương (XDCBTƯ) được ngành GTVT đề ra mục tiêu đạt sản lượng 53 tỷ đồng, nhưng sau 6 tháng giá trị sản lượng thực hiện bằng 0. Còn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản địa phương (XDCBĐP), ngành đặt ra mục tiêu trên 12 tỷ mới đạt 130 triệu đồng.
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái có gần 2,2 triệu con gia cầm và thủy cầm ở 129 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố được triển khai tiêm phòng cúm gia cầm mũi 2 đợt một của năm 2007 bắt đầu từ ngày 10/6. Đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh đã có trên 1,4 triệu con gia cầm và thủy cầm được tiêm phòng. Trong đó, một số huyện như Văn Chấn, Trấn Yên, thành phố Yên Bái... có tổng đàn gia cầm và thủy cầm được tiêm nhanh nhất.
YBĐT - Cùng với sự phát triển chung của các thành phần kinh tế cả nước, trong những năm qua, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
YBĐT - Thực hiện Đề án “Những nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái giai đoạn 2005- 2010”. năm 2006 UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch và hỗ trợ vốn trồng rừng của huyện Văn Chấn là 3.000 ha, trong đó trồng rừng kinh tế vùng Mường Lò là 1.300 ha, trồng rừng tập trung tại Lâm trường Văn Chấn và Ngòi Lao là 1.210 ha, trồng rừng lâm nghiệp xã hội là 490 ha; tỉnh hỗ trợ mỗi ha 1 triệu đồng để nhân dân và doanh nghiệp trồng rừng.