Nậm Búng làm gì để đất đai không hoang phí?
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã vùng cao Nậm Búng cách trung tâm huyện Văn Chấn 42 km, có quốc lộ 32 chạy qua - đây là xã có tiềm năng lớn về đất đai, nguồn lao động dồi dào. Những năm gần đây, xã khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh với những cây con thích hợp tập trung phát triển kinh tế. Mặc dù vậy đất đai ở đây vẫn còn hoang phí.
Chè - cây thế mạnh đang được quan tâm phát triển trong việc xoá dần diện tích đồi đất trống ở Nậm Búng.
|
Với diện tích tự nhiên lớn, trên 9.640 ha, nhưng Nậm Búng chỉ có 115 ha ruộng nước, trong khi xã có tới 694 hộ với 3.278 khẩu. Trước đây, cuộc sống của đồng bào các dân tộc: Dao, Thái, Kinh hết sức khó khăn, do chỉ trông vào các sản vật tự nhiên của rừng và cây lúa. Những thửa đất màu, đất đồi, đất trồng chè bị bỏ hoang phí không người khai thác trong khi đây là tiềm năng, thế mạnh lớn để Nậm Búng có thể làm thay đổi cuộc sống. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Đảng bộ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân tập trung vào các cây trồng chính là: lúa, chè, rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc và đại gia súc để tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Từ chỗ người dân chỉ cấy một vụ mùa, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân chuyển được trên 50% diện tích ruộng nước sang làm hai vụ. Do thâm canh tốt, đưa 100% giống lúa lai vào gieo cấy, nên như năm ngoái dù bị dịch bệnh, năng suất lúa đông xuân của xã vẫn đạt 55 tạ/ha và vụ mùa đạt 40 tạ/ha. Không những vậy nhân dân trong xã còn trồng hàng chục ha ngô đông xuân, cho năng suất 20 tạ/ha. Diện tích đất trồng màu trên 205 ha trước đây bị bỏ phí, giờ đây người dân đã đưa vào trồng 12 ha lạc hai vụ và 18 ha sắn.
Chè là cây trồng mới còn lạ lẫm với người dân ở đây. Nhưng theo anh Phạm Bá Dư - Chủ tịch UBND xã, toàn xã có 200 ha đất trồng chè, do tuyên truyền vận động tốt, nên ngay từ năm 2002 (từ khi có Lâm trường Nậm Búng tới quy hoạch trồng chè), 440 hộ trong xã đã trồng được 145 ha chè Shan. Hai năm trở lại đây, mỗi năm nhân dân trong xã thu hái được trên 100 tấn chè búp tươi. Do thuận đường giao thông nên chè sản xuất ra có người đến tận nơi đặt mua. Nhiều hộ trồng chè cũng đã bắt đầu cho thu nhập khá, trong đó, có hộ chị Trần Thị Thơm ở thôn Chấn Hưng 1 trồng 3 ha, vụ chè vừa qua bán chè thu được 17 triệu đồng.
Xác định chè là cây kinh tế xoá đói giảm nghèo, năm 2007 xã tiếp tục vận động nhân dân trồng mới thêm 30 ha chè Shan. Phát huy thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đầu năm 2006, nhưng hiện nay đàn trâu của xã vẫn còn 1.164 con. Đàn bò ở Nậm Búng cũng phát triển mạnh, hiện đang có 357 con tăng 107 con so với năm 2005. Ngoài ra xã còn có đàn ngựa 42 con, đàn dê 150 con, đàn lợn gần 2000 con và đàn gia cầm 15000 con. Hướng tới phát triển bò bán công nghiệp, nhân dân trong xã bắt đầu trồng cỏ voi. Hiện nay đã có 24 hộ đăng ký nuôi bò theo mô hình bán công nghiệp. Thế mạnh đồi rừng cũng đã được phát huy, cùng với quản lý tốt rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh và rừng phòng hộ; từ năm 2001, nhân dân trong xã đã tích cực trồng rừng bằng các giống cây như thông và mỡ. Chuyển hướng sang trồng cây lâm nghiệp cho năng suất cao, chỉ riêng năm 2006, toàn xã đã trồng mới được 79 ha keo, thực hiện qui hoạch, thiết kế trồng thêm 92 ha rừng ở các thôn Chấn Hưng 2,3,5; năm nay xã tiếp tục trồng mới thêm 30 ha rừng.
Dẫu vậy, phát triển các cây con thế mạnh ở Nậm Búng cũng mới ở mức đánh thức, tiềm năng chưa được khai thác triệt để. Vẫn còn tới trên 40% diện tích ruộng nước đang làm một vụ, hơn 170 ha đất màu và 2.700 ha đất trống đồi trọc chưa được khai thác, trong khi xã đang còn tới trên 42% hộ nghèo. Nên chăng, cùng với việc tập trung thâm canh tăng vụ lúa, phát triển chè, rừng kinh tế và đại gia súc, Nậm Búng có thể đưa cây đậu tương vào chân ruộng một vụ lúa và đất màu, tránh để đất đai hoang phí trong khi dân vẫn nghèo.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông lâm nghiệp địa phương, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tổ chức tăng cường tuyên truyền phổ biến và chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các mô hình, dự án. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 77 lớp tập huấn về kiến thức nông, lâm, thuỷ sản cho 3.712 lượt người.
YBĐT – Là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, Chương trình "Cải tạo và phát triển đàn bò giai đoạn 2005 - 2010" của tỉnh Yên Bái đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
YBĐT - Năm 2007, vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản trung ương (XDCBTƯ) được ngành GTVT đề ra mục tiêu đạt sản lượng 53 tỷ đồng, nhưng sau 6 tháng giá trị sản lượng thực hiện bằng 0. Còn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản địa phương (XDCBĐP), ngành đặt ra mục tiêu trên 12 tỷ mới đạt 130 triệu đồng.
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái có gần 2,2 triệu con gia cầm và thủy cầm ở 129 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố được triển khai tiêm phòng cúm gia cầm mũi 2 đợt một của năm 2007 bắt đầu từ ngày 10/6. Đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh đã có trên 1,4 triệu con gia cầm và thủy cầm được tiêm phòng. Trong đó, một số huyện như Văn Chấn, Trấn Yên, thành phố Yên Bái... có tổng đàn gia cầm và thủy cầm được tiêm nhanh nhất.