Yên Bái tạo bước chuyển cho thương mại điện tử

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2024 | 7:47:51 AM

YênBái - Chỉ còn ít ngày nữa, Tuần lễ Thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia và Online Friday 2024 sẽ diễn ra. Một sự kiện quan trọng trong hoạt động thương mại đi liền với sự phát triển công nghệ số sẽ nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước.

Đồng bào dân tộc Dao thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên được hướng dẫn cài đặt và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại thông minh.
Đồng bào dân tộc Dao thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên được hướng dẫn cài đặt và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại thông minh.

Hòa trong không khí của Tuần lễ TMĐT quốc gia cũng là dịp để nhìn nhận lại những kết quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) ở một địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh miền núi Yên Bái. Phải thấy rằng, chúng ta đã rất chủ động để hướng đến kinh tế số, trong đó có hoạt động TMĐT. 

Bằng chứng là ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 51-NQ/TU về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND về phát triển TMĐT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. 

Trong quá trình CĐS, tỉnh luôn chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, TMĐT và sản xuất thông minh, tạo thuận lợi cho việc triển khai các nền tảng phục vụ CĐS. Đối với kinh tế số và TMĐT, tỉnh chỉ đạo các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền đẩy mạnh hỗ trợ thay đổi cách nghĩ, có nhận thức mới về kinh doanh trên môi trường số.

Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh hiện có 96 chợ truyền thống; 2 trung tâm thương mại, 1 siêu thị, 25 cửa hàng Winmart+; 80 doanh nghiệp phân phối lớn hoạt động lĩnh vực thương mại, dịch vụ cùng hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Song, xu thế của TMĐT với đặc trưng mua bán hàng hóa, dịch vụ qua Internet với các ứng dụng hoặc sàn giao dịch, thì việc huấn luyện kỹ năng, sử dụng công cụ, cách thức, cơ chế vận hành phù hợp là điều hết sức cấp thiết.


Cùng với đó là các cơ chế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đưa các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT; hỗ trợ thiết lập các kênh bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội. Thế nên đã có nhiều cuộc tập huấn kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX. Gần đây, người dân ở vùng cao Trạm Tấu đã được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội để bán hàng ngay tại nương khoai sọ. Bà con được chứng kiến việc thật là bán được hàng tấn củ chỉ bằng chiếc điện thoại trong một cuộc livestream

Hay việc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương tỉnh đã đưa doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đi tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Cụ thể là cách lập kế hoạch tổ chức một hoạt động trình chiếu sản phẩm trên môi trường số; đào tạo kỹ năng, cầm tay chỉ việc về cách thức bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên sàn TMĐT; giúp các doanh nghiệp, HTX thực hành bán hàng trực tiếp, xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm...

Thông tin tại Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số tỉnh Yên Bái đến năm 2025 diễn ra tháng 7/2024 cho biết: Đến hết tháng 6/2024, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 14,06%; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt 12,7%; tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử đạt 71%; số doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử là 55%; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 58%.

Đáng ghi nhận là, đến nay tất cả các doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử; đã áp dụng phương thức kinh doanh thông qua hoạt động điện tử, TMĐT; trên 2.000 lượt doanh nghiệp, HTX được tham gia tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về CĐS… 

Hiện tại, 100% sản phẩm OCOP và 600 sản phẩm khác đã lên sàn TMĐT tỉnh và một số sàn TMĐT trong nước. Kết quả đó, giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường, dễ dàng tìm kiếm đối tác, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Nhìn từ phía người tiêu dùng, với những linh hoạt từ hoạt động thương mại, dịch vụ trong thời Covid-19, nhờ sự tích cực trong thực hiện các mục tiêu CĐS, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tổ CĐS cộng đồng đã giúp người dân Yên Bái hòa nhịp với môi trường Internet, trong đó có hoạt động TMĐT. Giờ thì việc mua hàng trên Shopee, Lazada, Alibaba, Tiktok và một số nền tảng mạng xã hội đang dần thành thói quen; người dân đã dùng phương thức thanh toán bằng quét mã, chuyển khoản. Kinh nghiệm và cách thức ứng phó với các hành vi lừa đảo khi tham gia mua hàng trực tuyến đã làm cho TMĐT ngày càng linh hoạt và đi vào chuẩn mực, mang lại sự hài lòng cho người tiêu dùng…

Kế hoạch Phát triển TMĐT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 xác định rõ mục tiêu đến năm 2025 có 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 30% giá trị giao dịch TMĐT ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Doanh số TMĐT tăng 10%/năm, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 40%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 50%. 40% giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử…

Những mục tiêu này có thể đã đạt và vượt bởi kết quả của quá trình CĐS trên tất cả các lĩnh vực ở tỉnh. Còn theo Bộ Công Thương, Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Online Friday 2024 là sự kiện nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường nhận thức của người dân với TMĐT, thúc đẩy phát triển các hạ tầng và giải pháp công nghệ số; định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng thị trường TMĐT bền vững tại Việt Nam. Qua đây sẽ đẩy mạnh quảng bá, nhận diện và tiêu thụ các sản phẩm có xuất xứ, đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân và du khách...

Trong dịp này diễn ra các hoạt động hội thảo trực tiếp và trực tuyến với chủ đề về TMĐT và công nghệ số; các hoạt động tương tác cho người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến; tuyên truyền, phổ biến, trải nghiệm đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. "Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024” cũng sẽ được triển khai trên hệ thống website, ứng dụng thuộc chương trình, cung cấp mã mua sắm ưu đãi trên toàn quốc trên các nền tảng và chương trình khuyến mãi sản phẩm của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thông qua TMĐT… Đồng thời việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Tuần lễ TMĐT nhằm nâng cao tinh thần của doanh nghiệp, người tiêu dùng "bứt phá” dịp cuối năm ở mọi lĩnh vực, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể trong giao dịch TMĐT và truyền thống… 

Hưởng ứng Tuần lễ TMĐT quốc gia, hơn lúc nào hết, mỗi doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng và các cấp, ngành của tỉnh cần hết sức quan tâm, sẵn sàng tâm thế để nâng cao nhận thức, nhằm tạo sự chuyển biến trong hành động, kịp thời thích ứng với xu thế vận động và đáp ứng sự phát triển của TMĐT trong thời gian tới.

Sở Công Thương đã hỗ trợ đăng tải thông tin, tạo QR Code 237 sản phẩm OCOP của tỉnh trên sàn TMĐT; phối hợp triển khai mô hình chợ 4.0 ở trung tâm huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ trên 1.000 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và hơn 600 lượt sản phẩm OCOP chào bán trên sàn TMĐT. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện tỉnh tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn buudien.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm với giá trị bán hàng tỷ đồng.

Minh Quang

Tags Yên Bái thương mại điện tử Online Friday 2024 Nghị quyết số 51 hóa đơn điện tử

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Với bối cảnh kinh tế hiện tại, tiết kiệm ngân hàng vẫn giữ ưu thế trong danh sách các kênh đầu tư an toàn và ổn định.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo năm nay, Việt Nam nhập khẩu gạo 3,2 triệu tấn, tăng thêm 300.000 tấn so với báo cáo hồi tháng 9

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu tới 3,2 triệu tấn gạo và trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Philippines và Indonesia.

Vàng thế giới tiếp tục xu hướng giảm

Giá vàng hôm nay, giá vàng SJC tăng 300.000 đồng/lượng lên mức 80,3 - 83,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng lúc, vàng thế giới tăng mạnh 29,4 USD/oz lên mức mức 2.591,7 USD/oz.

Mô hình sản xuất cốm an toàn tại Tổ hợp tác Hoa Lúa, xã Mường Lai, Lục Yên đảm bảo thực hiện tiêu chí "5 không": không thuốc diệt cỏ, không thuốc diệt ốc, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phân bón hóa học và không chất tăng trưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục