Buổi livestream giới thiệu về sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của Sendo Farm - Kết nối nông sản Việt được thực hiện trực tiếp tại nương khoai sọ của gia đình anh Chớ A Lử, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các nhân viên của Sendo Farm đã giới thiệu đầy đủ với khách hàng về sản phẩm khoai sọ nương của huyện Trạm Tấu.
Chị Lương Thị Thiên Hương - Quản lý phòng mua hàng của Sendo Farm cho biết: Để giới thiệu sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đến với khách hàng, chúng tôi phải đi bộ, leo đồi gần 1 km có mặt trực tiếp tại nương khoai sọ này để livestream. Khách hàng được xem trực tiếp nương khoai, cách thu hoạch. Sản phẩm được livestream ở nương khoai sọ nào thì đơn vị sẽ lấy hàng từ nương đó để giao cho khách hàng, đảm bảo đúng chất lượng, yêu cầu và giữ chữ tín với khách hàng.
"Với mục đích giúp đỡ bà con đồng bào Mông ở Trạm Tấu đưa sản phẩm khoai sọ nương đến tay người tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc, chỉ trong hơn 1 giờ livetream, khách hàng đã đặt mua của chúng tôi hơn 5 tấn khoai với giá ổn định. Sau buổi livetream này, chúng tôi dự kiến sẽ tiêu thụ được 10 tấn khoai sọ nương nữa” - chị Hương phấn khởi chia sẻ.
Anh Nguyễn Thành Luân - Trưởng nhóm live cho biết: Sendo Farm là cam kết mạnh mẽ của FPT với ngành nông nghiệp số, mong muốn kiểm soát từ canh tác, sản xuất, vận chuyển đến phân phối tới bàn ăn. Những bài toán Sendo Farm tập trung giải gồm: tự động hoá, minh bạch xuất xứ nguồn gốc, phân phối để kiểm soát chất lượng canh tác.
Từ những hạt giống được chọn lọc, gieo trồng và chăm sóc cẩn thận bởi người nông dân từ những trang trại, rau củ, hoa quả sẽ được thu hoạch đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và được trao đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon và an toàn.
Thông qua livestream, khách hàng được trực tiếp xem nương khoai, xem bà con thu hoạch khoai và cảm nhận được sự phấn khởi của người dân khi sản phẩm của mình đã đến với người mua trên mọi miền đất nước thông qua công nghệ số, góp phần giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn người dân các kỹ năng cần thiết để có thể tham gia bán hàng trên nền tảng của Sendo Farm.
Anh Chớ A Lử - thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ phấn khởi chia sẻ: "Được các bạn giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm chúng tôi mừng lắm, không còn lo về giá bán nữa. Với Sendo Farm, bà con chúng tôi lại có thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm khoai sọ nương hiệu quả. Giờ chỉ lo trồng và mở rộng thêm diện tích thôi”.
Trước đây, đồng bào Mông Trạm Tấu trồng khoai sọ mang nặng tính tự cung tự cấp nên hiệu quả kinh tế thấp, nhưng những năm gần đây do nhận thấy giá trị hàng hóa của khoai sọ nên huyện xác định phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu bảo hộ nhãn hiệu, từng bước tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Được chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, năm 2019, huyện Trạm Tấu đã tiến hành trồng 45 ha khoai sọ, tập trung ở các xã: Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau…
Anh Chớ A Lử chụp ảnh cùng các bạn trong nhóm livetream giới thiệu về sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của Sendo Farm
Năm 2021, huyện đã triển khai Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ" với chủ trương đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng khoai sọ nhằm từng bước phát huy cây trồng chủ lực của địa phương. Tính đến tháng 10/2024, toàn huyện Trạm Tấu đã có 800ha khoai sọ, năng suất bình quân đạt 140 tạ/ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Nguyễn Thành Hưng cho biết: Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm….
Với năng suất bình quân 140 tạ/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 120 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập lớn, giúp nhiều hộ đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo.
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu được gọt sẵn, hút chân không đưa vào các kệ hàng tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước
Huyện tiếp tục rà soát việc mở rộng diện tích trồng khoai sọ nương tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha/năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương xếp hạng OCOP 4 - 5 sao... Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu cũng đã có mặt tại các kệ hàng trong các siêu thị lớn ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…
Với sản lượng khoai sọ lớn, huyện đã có nhiều giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, Trong đó, việc bán hàng trên các mạng xã hội, trang thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng. Thông qua hình thức này, sản phẩm được quảng bá đến đông đảo cộng đồng khách hàng trên nền tảng công nghệ số của Sendo Farm. Đây sẽ là một kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho đồng bào Mông ở Trạm Tấu.
Mạnh Cường