Những năm đầu thực hiện chính sách này, ở các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, người dân vẫn còn khá thờ ơ, chưa mặn mà. Chỉ có số ít hộ gia đình đăng ký tham gia mô hình. Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Do thói quen thả rông gia súc, gia cầm nên chuồng trại của đồng bào ở địa phương thường không bảo đảm về diện tích, không có hố xử lý chất thải; không đủ con giống. Để được hỗ trợ, người dân cần bỏ tiền đầu tư các hạng mục còn thiếu, đạt yêu cầu mới được nghiệm thu, giải ngân nên khi mới phổ biến chính sách, nhiều người dân thờ ơ, không mặn mà tham gia. Bởi vậy, trước hết, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh việc đồng bào ta có ăn, có mặc nhưng vẫn còn nghèo vì nguyên nhân do không tự tạo được thu nhập và chăn nuôi hàng hóa chính là hướng đi để thoát nghèo phù hợp”.
Công tác tuyên truyền được các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, từ trong các buổi họp thôn, họp bản, loa truyền thanh cho tới cán bộ, đảng viên nêu gương đi đầu để người dân thấy được hiệu quả rồi mới làm theo… Nhờ đó, người dân vừa nắm rõ nội dung, định mức, yêu cầu của chính sách cũng như trực tiếp nhìn thấy lợi ích để sẵn sàng thay đổi tư duy, nhận thức, chủ động đăng ký thực hiện mô hình.
Các địa phương cũng chủ động chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiến hành rà soát, vận động, hướng dẫn nhân dân trong quá trình thực hiện tu sửa, làm mới, nâng cấp chuồng trại, bảo đảm diện tích, chuẩn bị con giống theo yêu cầu, chú trọng phổ biến kiến thức về quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; chủ động hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán bảo đảm theo quy định.
Khi lợi ích của việc chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản, hữu cơ được đồng bào trực tiếp cảm nhận, thì từ việc phải vận động, người dân đã tự nguyện đăng ký tham gia. Điều này có thể nhìn thấy rõ hơn ở 2 huyện nghèo với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Năm 2021, huyện Trạm Tấu có 42 mô hình và Mù Cang Chải có 159 mô hình chăn nuôi đăng ký và được hỗ trợ từ Nghị quyết 69 thì đến năm 2024 con số này đã tăng lên lần lượt là 86 và 269 mô hình.
Anh Giàng A Mua ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Được địa phương tuyên truyền, vận động, được tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng đã giúp tôi mạnh dạn quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên theo hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả. Tôi còn được hướng dẫn cách trồng cỏ voi, trồng ngô sinh khối để ủ men chua làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; chuồng trại được xây dựng kiên cố đủ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè nên đàn trâu, bò phát triển tốt lắm! Giờ đây, trong chuồng lúc nào cũng có 7 - 8 con trâu, bò, nuôi vài tháng là lại có lãi, thu nhập của vợ chồng tôi cũng được gần 7 triệu đồng/người/tháng”.
Được biết, từ năm 2021-2024, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 4.241 cơ sở hộ gia đình, cá nhân phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản, hữu cơ, trong đó có 1.432 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên, 447 mô hình chăn nuôi gia cầm đặc sản quy mô 300 con trở lên, 397 mô hình chăn nuôi dê quy mô 30 con trở lên, 935 mô hình chăn nuôi lợn nội quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt… với số kinh phí giải ngân là 102,3 tỷ đồng. Chưa kể, tỉnh còn hỗ trợ 120 tổ hợp tác, hợp tác xã mua mới 2.877 con trâu, bò với kinh phí giải ngân hỗ trợ là 8,6 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn tỉnh đều tăng dần theo thời gian. Riêng năm 2024, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh ước đạt 891.567 con, tăng 6,7% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 81.409 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Việc ngày càng có nhiều hộ đồng bào đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ không chỉ khẳng định sự thiết thực, phù hợp của chính sách mà còn khẳng định sự hình thành và phát triển tư duy chăn nuôi hàng hóa ở vùng cao - đây chính là động lực để người dân vùng cao Yên Bái vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoài Anh