Ngày mới ở bản Mông
- Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trở lại bản Đồng Ruộng, xã vùng cao Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), sau những cơn mưa rào, khiến cho con đường vào với bản dài chưa đầy chục cây số vốn đã gập ghềnh đèo dốc, giờ lại trật ra những hòn đá cuội lớn nhỏ, lởm chởm. Suối Rào hiền hòa là vậy, giờ đục ngầu chảy cuồn cuộn. Loay hoay mất gần 2 giờ đồng hồ và phải nhờ tới sự giúp sức của mấy thanh niên người Mông đi chợ huyện về cùng đường, chúng tôi mới thoát qua được 4 đoạn suối chắn ngang.
Thiếu nữ Mông ở xã Kiên Thành (Trấn Yên).
|
Mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi mới đặt chân tới cửa ngõ của bản, Đứng trên đỉnh dốc đá Liếc hướng về phía chân cánh rừng nguyên sinh Tầm Khầm, thấy bản Đồng Ruộng giống như một bức tranh nhiều gam màu của những nương chè, nương ngô, rừng keo, đồi quế, tre Bát Độ và điểm xuyết là những ngôi nhà mới lợp tấm lợp xi măng... Tất cả những thứ đó như nói lên phần nào cuộc sống mới của bản Mông sau 20 năm xuống núi định cư.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại nhà già làng Giàng A Nhà, một trong 3 hộ đầu tiên xuống núi định cư. Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trông ông còn khỏe lắm. Ông được coi là con chim đầu đàn của bản người Mông nơi đây.
Với vẻ mặt trầm ngâm, trong câu chuyện với chúng tôi ông kể: “Sau nhiều năm du canh du cư, hết ở xã Suối Giàng huyện Văn Chấn, rồi đến thôn Khe Loóng, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên đến năm 1987, đại gia đình ông cùng 2 hộ đồng bào Mông nữa với gần 60 khẩu đến định cư tại khu đất bằng nơi đầu nguồn suối Rào này. Sau gần chục năm khai hoang vỡ đất, tháng 4/1994 một bản mới được thành lập với cái tên bản Đồng Ruộng tiếng Tày gọi là Tòng Nà (nghĩa là một đồng ruộng lớn).
Buổi đầu định cư, cuộc sống của đồng bào Mông ở đây vẫn đầy những khó khăn, nhưng giờ thì đã khác nhiều. Những năm qua, bản Đồng Ruộng đã được đầu tư hỗ trợ xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội và công trình phục vụ dân sinh như: hệ thống thủy lợi phục vụ nước cho sản xuất trị giá 40 triệu đồng đảm bảo đủ nước tưới cho 12 ha lúa 2 vụ, 1 công trình thủy điện nhỏ trị giá 20 triệu.
Qua chính sách trợ cấp, trợ giá người dân trong bản đã có giống lúa lai, cây, con giống để sản xuất thâm canh. Những tiến bộ KHKT trong sản xuất đã đến với dân bản thông qua đội ngũ khuyến nông viên cơ sở. Giờ đây cũng như đồng bào các dân tộc khác, đồng bào Mông ở bản Đồng Ruộng đã biết làm mạ khay, mạ ném, gieo cấy 2 vụ, năng suất vật nuôi, cây trồng khá hơn so với trước đây rất nhiều.
Với 636 ha đất rừng được bà con dân bản nhận khoanh nuôi bảo vệ, năm 2005 bản Đồng Ruộng được tham gia dự án bảo vệ rừng cộng đồng với diện tích bảo vệ là 264,5 ha. Vì vậy, không những chấm dứt tình trạng đốt rừng làm nương rẫy mà bà con trong bản còn tích cực trồng rừng bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, keo, bồ đề, bạch đàn, trồng tre Bát độ tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay cả bản có 60 ha quế, 56 ha tre Bát độ, 15 ha chè Shan... đang là nguồn thu chính của bà con dân bản. Thu nhập từ kinh tế rừng đã giúp dân bản càng thêm quý trọng và gắn bó với rừng. Chăn nuôi đã chuyển biến theo hướng tập trung và chuồng trại làm xa nơi ở và hiện cả bản có gần 100 con trâu bò, bình quân mỗi gia đình cũng có từ 2 - 3 đầu lợn vài chục con gia cầm các loại.
Một số hộ như hộ anh Giàng A Sáu có tới 6 con bò, 2 con trâu, tổng thu 1 năm từ chăn nuôi và kinh tế rừng ước khoảng 50 triệu đồng. Hoặc như trường hợp Giàng A Khay, mới 28 tuổi nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho phát triển kinh tế hộ theo mô hình VACR bước đầu mỗi năm cho thu nhập trên dưới 20 triệu đồng.
Từ chỗ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đến nay đời sống của 32 hộ với 187 nhân khẩu của bản Mông đã được cải thiện đáng kể, chấm dứt cảnh đứt bữa và con em của họ đã được cắp sách đến trường. Nhiều con em được học tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh và huyện, hiện tại có 3 em là: Giàng A Của, Giàng A Lồng, Giàng A Lử đang theo học ở các trường đại học, mong muốn tiếp thu kiến thức trở về để xây dựng quê hương.
Vừa mới đây, bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trị giá tới cả trăm triệu đồng, chủ yếu là sự đóng góp của nhân dân trong bản. Đây không chỉ là nơi giao lưu hội họp, chuyển giao kiến thức KHKT cho dân bản mà còn là nơi tổ chức các hoạt động Văn hóa văn nghệ vào những dịp tết, lễ hội nhằm giữ gìn những nét văn hóa của dân tộc mình. Đội văn nghệ của bản thường xuyên có mặt tại các kỳ hội diễn của huyện, của tỉnh.
Đời sống tinh thần của bà con dân bản được nâng cao, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Hiện cả bản có tới 30% số hộ có phương tiện nghe nhìn, trên 10 máy điện thoại di động và cố định, 17 xe máy... Tuy nhiên để cuộc sống của dân bản tiến mạnh hơn nữa thì rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và các chương trình dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và đưa điện lưới quốc gia về với bản. Đồng thời, tiếp tục chuyển giao KHKT, cây con giống mới vào sản xuất thâm canh tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị thu nhập cao.
Nụ Phượng Lân
Các tin khác
YBĐT - Những năm trước đây, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã Tân Phượng(Lục Yên- Yên Bái) chủ yếu dựa vào cây lúa một vụ nên đời sống rất khó khăn. Sự đổi thay của bà con ở đây chỉ được bắt đầu từ những năm 1994 - 1997, khi xã tập trung chuyển đổi canh tác cấy lúa từ 1 vụ lên 2 vụ.
YBĐT - Nhằm đảm bảo cho nhu cầu cung cấp điện ổn định, Chi nhánh Điện thành phố duy trì tốt công tác kiểm tra, thay công tơ định kỳ, cải tạo xoá bán tổng, phát triển khách hàng mới. Từ đầu năm tới nay, đã thực hiện thay 1200 công tơ một pha, vượt 694 chiếc so với kế hoạch và thay 60 công tơ 3 pha, vượt 113 chiếc so với kế hoạch.
YBĐT - Là huyện thuần nông, ngoài lúa là cây kinh tế chủ lực, những năm gần đây huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao diện tích cũng như giá trị kinh tế của cây chè. Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 19 xác định: chè không chỉ là cây kinh tế mũi nhọn mà còn là cây thoát nghèo, cây làm giàu của người dân trong huyện.
YBĐT - Cả xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 271 hộ nhưng chỉ có 22 ha ruộng nước, trong đó diện tích cấy được hai vụ lúa chỉ có 18 ha, năng suất thấp hầu hết là giống lúa thuần, lúa nương. Thiếu kiến thức KHKT, phân bón trong việc gieo cấy cộng với khí hậu vùng cao khắc nghiệt nên năng suất lúa chỉ đạt không bằng một nửa vùng thấp.