Nhận diện bất lợi của bối cảnh mới
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố, Tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 33,19 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu chậm lại trong tháng đầu tiên của năm mới, vốn là tháng có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Nước ta ghi nhận 7 nhóm hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 6,05 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 4,93 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (đạt 3,86 tỷ USD); hàng dệt may (đạt 3,19 tỷ USD); giày dép các loại (đạt 1,9 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 1,42 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,19 tỷ USD). Tính chung, trị giá xuất khẩu của 7 nhóm hàng này đạt 22,45 tỷ USD, chiếm 72% trong tổng trị giá xuất khẩu cả nước.
Đáng chú ý, trong tháng 1/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD là Mỹ, EU (27 nước), Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản, tổng cộng 6 thị trường/khu vực thị trường này nhập hơn 60 tỷ USD hàng Việt. Trong đó, Mỹ là thị trường đạt kim ngạch lớn nhất, với 10,5 tỷ USD, tăng 4,6%; EU (27 nước) đạt 4,72 tỷ USD, tăng 3,5%; Trung Quốc đạt 3,65 tỷ USD, giảm 19,7%; ASEAN đạt 2,79 tỷ USD, giảm 13,8%; Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5% và Nhật Bản đạt 2,15 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về bức tranh xuất khẩu đầu năm, theo TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ có nhiều thuận lợi, tuy nhiên cũng không ít khó khăn bởi những biến động khó lường trên thị trường toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn hàng đầu của nước ta sẽ có nhiều thay đổi.
"Đơn cử, lâu nay, Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với tỷ trọng chiếm tới gần 30% lượng xuất khẩu hàng hóa nước ta trong năm qua. Thế nhưng, ngay từ đầu năm, chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi và rủi ro tiềm tàng tại thị trường khổng lồ này. Các chính sách phòng vệ thương mại, các biện pháp thuế quan, biện pháp phòng vệ thương mại có mục tiêu và liên kết các thuế quan này với các quy tắc xuất xứ... ngày càng nhiều hơn, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, sự siết chặt thuế quan của Mỹ đối với hàng hoá Trung Quốc sẽ tạo nên nguy cơ một luồng dịch chuyển sang Việt Nam để né mức thuế cao hơn từ Mỹ", ông Phương phân tích.
Tìm kiếm thị trường mới ở 17 FTA là hướng đi hiệu quả
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc tìm kiếm các thị trường mới là bài toán vô cùng quan trọng và cấp bách đối với nền xuất khẩu của nước ta. Hiện Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nền tảng này mở ra rất nhiều cơ hội để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro và tăng cường vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngành Công thương tăng cường nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới. Trong đó, xác định hướng đi quan trọng là tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên; đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm vào các thị trường có FTA.
"Nước ta hiện có rất nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng từ 17 FTA. Trong đó, xác định rõ các ngành hàng có lợi thế và cơ hội vào từng thị trường cụ thể. Ví như, thị trường châu Âu, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang các nước châu Âu mới nổi, với các sản phẩm như nông thủy sản, dệt may, và da giày; tại thị trường châu Đại Dương, nước ta có thể tăng cường xuất khẩu sang các nước Úc, New Zealand, với các sản phẩm như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, và hàng tiêu dùng; Thị trường Mỹ và Canada, tận dụng với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Mỹ (FTA Việt Nam - Mỹ), nước ta xuất khẩu các sản phẩm như nông thủy sản, dệt may, và da giày", ông Hải phân tích.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý, các thị trường xuất khẩu mới từ các FTA sẽ đặt ra sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao nội lực để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. "Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho Việt Nam từ 17 FTA là một cơ hội và thách thức lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, tìm hiểu và đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu mới, và quản lý rủi ro về tỷ giá và lãi suất để có thể tận dụng cơ hội từ 17 FTA này", ông Hải nhấn mạnh.
(Theo VTV)