Đã 55 năm, đồi quế tập thể rộng 45 ha của 109 hộ dân Vàng Ngần vẫn sừng sững như một bằng chứng sống về tinh thần gắn kết cộng đồng, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của người Dao nơi đây. Tinh thần ấy thể hiện từ việc chung sức, đồng lòng đóng góp ngày công trồng, chăm sóc, thu hoạch cho tới việc bảo vệ, duy trì, quản lý, sử dụng nguồn quỹ chung sau khai thác. Từ lâu, thôn Vàng Ngần đã xây dựng quy ước, hương ước của thôn về việc xây dựng và gìn giữ đồi quế tập thể này. Dù ở xa khu dân cư, đường sá đi lại nhiều khó khăn nhưng mỗi khi thôn có thông báo lịch dọn cỏ, trồng dặm hay thu hoạch, bảo vệ, người dân trong thôn đều hăng hái tham gia.
Chị Bàn Thị Phượng - người dân thôn Vàng Ngần chia sẻ: "Tôi là người Dao từ nơi khác về đây làm dâu nhưng thấy cách làm đồi quế tập thể ở thôn này rất thiết thực và ý nghĩa. Công bằng trong việc dân góp sức, công khai, minh bạch trong quản lý quỹ, mang lại lợi ích cho người dân nên chúng tôi đều nhiệt tình, sẵn sàng góp công, góp sức xây dựng và duy trì đồi quế ở hiện tại và tương lai cũng sẽ luôn như vậy”.
Từ đồi quế tập thể, trung bình mỗi năm, mỗi hộ ở Vàng Ngần được chia từ 2 - 3 triệu đồng; còn lại khoảng 50 - 70 triệu đồng sẽ giữ lại làm quỹ chung dùng cho các công việc của thôn, có thể là xây dựng các công trình giao thông nông thôn hoặc giúp đỡ hộ nghèo, hộ đau ốm vay vốn không lãi.
Riêng năm 2024, với sự hỗ trợ nguyên vật liệu của Nhà nước, thôn Vàng Ngần đã sử dụng hơn 400 triệu đồng từ quỹ chung để bê tông hóa được 2 km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa lên 71%; trong đó, có hơn 3 km đường đạt chuẩn, nền đường rộng 3 m. Người dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo ở Vàng Ngần giảm dần qua từng năm, hiện còn 16,5%; thu nhập bình quân được nâng lên, đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Hiệu quả từ đồi quế tập thể đã được khẳng định. Xã Suối Quyền cũng tích cực vận động, khuyến khích các thôn trong xã học tập, nhân rộng và lan tỏa mô hình. Ông Đặng Kim Lý - Chủ tịch UBND xã Suối Quyền cho biết: "Trong các buổi họp với thôn, xã đã tuyên truyền, khuyến khích các thôn có quỹ đất chung hãy cùng nhau trồng 1 loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển kinh tế, tạo nguồn quỹ chung để sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, có 3/5 thôn trên địa bàn xã đã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể trồng quế, gồm thôn Vàng Ngần diện tích trên 45 ha; thôn Thẳm Có trên 5 ha, trồng từ năm 2000; thôn Suối Bó cũng bắt đầu trồng từ đầu năm 2024 với 1,5 ha. Nhờ có các quỹ chung này, các thôn thuận lợi hơn trong việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi chung, góp phần cùng xã xây dựng nông thôn mới”.
Chỉ tính riêng năm 2024, tiền thu từ các đồi quế tập thể đã được trên 200 triệu đồng - đây là số tiền không hề nhỏ. Vì thế, để quản lý quỹ, các thôn đã bầu ra ban quản lý quỹ do trưởng thôn làm trưởng ban cùng phó ban và thủ quỹ. Số tiền thu về cho đến từng khoản chi tiêu đều được ban quản lý thông báo công khai, rõ ràng dưới sự giám sát của nhân dân trong thôn.
Ông Lý Tiến Quan - Trưởng thôn Thẳm Có cho biết: "Trước khi khai thác quế, chúng tôi đều tổ chức họp thôn, bàn bạc, thống nhất về diện tích, số lượng cây khai thác và giá bán trên thị trường để cùng nhau thực hiện. Trong các buổi đi làm cỏ, trồng cây hay khai thác quế, Ban Quản lý cũng trực tiếp tham gia lao động, giám sát và đôn đốc mọi người làm việc; đồng thời, có sổ theo dõi chấm công cụ thể, minh bạch. Dự kiến, trong năm nay, chúng tôi sẽ bóc hết số quế còn lại trên đồi quế tập thể của thôn để tu sửa lại một số cống đã bị hỏng, sẽ hết khoảng 50 triệu đồng, số còn lại sẽ chia cho nhân dân và mua giống quế để tiếp tục trồng”.
Trồng, chăm sóc, bảo vệ rồi lại khai thác, xây dựng công trình chung - một vòng đời của quế tập thể ở Suối Quyền sẽ mãi như thế, từng bước tạo nên diện mạo mới cho xã vùng cao này.
Hoài Anh