Nơi giúp hộ nghèo phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCS XH) huyện Văn Chấn (Yên Bái) phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội đã uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức xã hội đáp ứng kịp thời các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm mô hình chế biến chè của gia đình chị Hà Thị Thiết ở thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn).
|
Vốn đầu tư đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách và đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Đây là phương thức giải ngân năng động, phù hợp với thực tiễn, việc chuyển nguồn vốn vay đến với người nghèo và thu nợ kịp thời.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, chị Hà Thị Thiết ở thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La bồi hồi kể lại:
"Ngày anh chị mới tách ra ở riêng, cuộc sống rất khó khăn. Tuy có đất sản xuất nhưng do thiếu vốn và thiếu kiến thức nên đói nghèo cứ bám chặt lấy gia đình. Năm 2004 chị được Hội Phụ nữ xã tập huấn kỹ thuật trồng chè giống mới và được NHCS XH cho vay 5 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế. Có tiền, chị đầu tư trồng 2000m2 chè, mua lợn, gà về nuôi vừa tăng thêm thu nhập lại lấy phân bón cho cây trồng. Thấy địa bàn trong xã có nhiều chè mà xưởng chế biến lại rất ít, hàng ngày tư thương các nơi khác đua nhau về mua chè búp tươi để chế biến nên chị bàn với gia đình đầu tư mở xưởng chế biến chè ngay tại nhà. Do chăm chỉ làm ăn lấy ngắn nuôi dài đến nay gia đình chị có cuộc sống ổn định, xưởng chế biến chè của gia đình chị hàng ngày sản xuất trên 30 kg khô, trừ hết chi phí riêng xưởng chè của gia đình chị cho thu nhập gần 100 nghìn đồng/ngày, thu nhập mỗi năm đạt trên 50 triệu đồng"...
Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Văn Thi 3 xã Sơn Thịnh cũng có hoàn cảnh tương tự. Năm 2004 vay NHCSXH được 7 triệu đồng, anh chị tập trung vốn đầu tư công sức phát nương trồng sắn, trồng ngô lấy ngắn nuôi dài, đồng thời tiến hành trồng 3 ha chè, chủ yếu là giống chè trung du. Được tập huấn kỹ thuật, thấy rõ lợi ích kinh tế từ trồng chè giống mới anh phá bỏ một số diện tích chè cũ năng suất thấp đưa vào trồng được 1,2 ha chè cành giống LDP1- LDP2. Đến nay chè đang cho thu hoạch và sản lượng đạt trên 12 tấn chè búp tươi/năm.
Không dừng lại ở đó, anh còn vay anh em họ hàng vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn kết hợp nuôi gia cầm như: ngan, vịt, gà thịt theo hướng sản xuất hàng hoá cung cấp cho thị trường, đồng thời lấy phân hữu cơ bổ sung cho cây trồng. Anh chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn lựa con giống, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc nên đàn gia súc gia cầm của gia đình mau lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Tính trung bình mỗi năm thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, gia đình anh Tiến thu được trên 40 triệu đồng. Không thể kể hết những gia đình ở huyện Văn Chấn nhờ đồng vốn cho vay ưu đãi của NHCS XH mà nay có cuộc sống khá giả.
Ông Nguyễn Trung Thành- Giám đốc NHCSXH huyện Văn Chấn cho biết: "Để đồng vốn cho vay phát huy tốt hiệu quả, NHCSXH huyện đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ với UBND, tổ chức đầu tư tín dụng và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghiệp vụ ngân hàng đến nhân dân; thường xuyên phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức họp bàn giao để đánh giá kết quả hoạt động đồng thời bàn biện pháp cùng chỉ đạo điều hành hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo từ huyện đến các xã, chú trọng việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn".
Đến cuối tháng 6 năm 2007, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 58 tỷ đồng, trong đó vốn nhận từ trung ương trên 57 tỷ đồng còn lại là huy động tại địa phương. Công tác sử dụng vốn vay được Ngân hàng quản lý chặt chẽ.
Trong 6 tháng đầu năm, NHCSXH huyện Văn Chấn đã cho vay trên 7 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo 4.848 triệu đồng, cho vay vốn 120 giải quyết việc làm 550 triệu đồng; xuất khẩu lao động 457 triệu đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 31 triệu đồng; cho vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường 1.571 triệu đồng. Từ nguồn vốn này nhân dân trong huyện đã trồng và cải tạo được 169 ha chè, 38 ha cây ăn quả, mua được 245 con trâu sinh sản kết hợp với cày kéo và 35 con bò sinh sản, 108 con lợn nái, xây dựng 105 m2 chuồng trại mua được 10 máy nông nghiệp các loại, đào và xây dựng mới 192 giếng nước, 96 bể bi-ô-ga…
Ông Thành cũng cho biết thêm: "Để các hộ nghèo trong huyện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và sử dụng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới NHCSXH huyện tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội nhận uỷ thác từ huyện đến các xã, thị trấn, rà soát lại nhu cầu vay vốn để thẩm định và giải ngân cho vay; phối hợp với Phòng Nội vụ, LĐTB & XH huyện thẩm định dự án và tổ chức cho vay vốn 120, vốn xuất khẩu lao động theo đúng kế hoạch; tổ chức ký hợp đồng uỷ thác đến 100% tổ chức hội ở các xã, thường xuyên phối hợp kiểm tra và có biện pháp chỉ đạo sát sao các hoạt động về tín dụng, nâng cao chất lượng tổ vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn để tạo vốn cho vay quay vòng, thực hiện tốt lịch giao dịch tại xã".
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính. Kể từ đó đến nay đã 62 năm trôi qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Giao thông - Vận tải Yên Bái trong thời chiến cũng như thời bình dũng cảm, sáng tạo góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và đổi mới đất nước.
YBĐT - Cũng như nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác ở thị xã Nghĩa Lộ; thời gian gần đây, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Bắc thực hiện tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo Luật Quản lý thuế. Được cơ quan thuế hướng dẫn, phân phát đầy đủ tờ khai, đến nay doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định.
YBĐT - Công ty cổ phần chè Văn Hưng hiện có trên 500 ha chè nguyên liệu, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 1.300 đến 1.500 tấn chè thành phẩm với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài diện tích chè hiện có, Công ty còn bảo đảm việc thu mua hết chè nguyên liệu trong dân, tạo điều kiện cho nhân dân huyện Yên Bình phát triển kinh tế và có thu nhập cao từ trồng chè.
YBĐT - Quy Mông là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên với 1.162 hộ dân, 4.810 khẩu và diện tích tự nhiên rộng 2.022 ha, nhưng chỉ có 441 ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 9 dân tộc và phần lớn là người Kinh, Mường, Dao, Tày... sống ở 12 thôn, bản. Những năm gần đây, Đảng bộ xã Quy Mông đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo phát triển kinh tế từng bước xoá đói giảm nghèo.